Tài chính quốc tế

Facebook bị chỉ trích vì chặn bức ảnh nổi tiếng 'Em bé Napalm'

(VNF) - Ngày 8/9, báo giới Nauy đã lên tiếng phản đối việc Facebook xóa hình ảnh "Em bé Napalm", một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam vì cho rằng nó vi phạm quy định về khỏa thân trong khâu kiểm duyệt của mình.

Facebook bị chỉ trích vì chặn bức ảnh nổi tiếng 'Em bé Napalm'

Bức ảnh "Em bé Napalm" của nhiếp ảnh gia Nick Út (ảnh: AP)

Theo The Guardian, ông Espen Egil Hansen - Tổng biên tập đồng thời là CEO của tờ báo Aftenposten, đã đăng tải một bức thư mở gửi tới CEO Mark Zuckerberg của Facebook. Trong bức thư này, ông Hansen đã cáo buộc Zuckerberg "lạm dụng quyền lực" trên mạng xã hội để phân phối các tin tức và thông tin trên toàn thế giới theo ý mình. 

"Tôi cảm thấy buồn và thất vọng – trên thực tế còn cảm thấy sợ hãi – về những gì anh đang làm", Hansen viết trong bức thư. "Tôi lo ngại rằng thứ phương tiện quan trọng nhất trên thế giới đã hạn chế quyền tự do, thay vì cố gắng mở rộng sự tự do đó".

Sự việc bắt nguồn từ việc một bài viết của tác giả người Na Uy - nhà báo Tom Egeland về "7 tấm ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh" đã nhanh chóng bị xóa khỏi Facebook. Trong số những bức ảnh được ông đăng tải có bức ảnh "Em bé Napalm" của nhà báo chiến tranh Nick Út, ghi lại hình ảnh người dân đang chạy khỏi ngôi làng bị đánh bom trong một cuộc tấn công thả bom Napalm vào năm 1972, diễn ra tại Trảng Bàng, Tây Ninh. 

Trong đó, có hình ảnh cô bé Kim Phúc trên người không mảnh vải che thân, vừa chạy vừa khóc thét vì bị bỏng do bom Napalm mà quân đội Mỹ thả xuống trong chiến tranh Việt Nam. Tài khoản của phóng viên Egeland sau đó cũng bị Facebook khóa.

Sau đó, tờ Aftenposten đã báo cáo vấn đề này tới Facebook, đồng thời đăng tải lại bức ảnh "Em bé Napalm" lên fanpage chính thức của mình. Tuy nhiên, tờ báo này lại nhận được cảnh báo của Facebook, trong đó yêu cầu phải "gỡ bỏ hoặc làm mờ" tấm ảnh.

Bức ảnh "Em bé Napalm" của tác giả Nick Ut đã giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer cho bức hình làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh Việt Nam, thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ. Nhưng Facebook cho rằng tấm ảnh có chứa hình ảnh khỏa thân của con người, do vậy người dùng không được phép đăng tải lên mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới này.

Quyết định của trang mạng xã hội khổng lồ gây ra phản ứng dữ dội từ phía báo giới Nauy, họ tiếp tục đăng tải bức ảnh này lên mạng xã hội. Facebook đã đáp trả bằng việc liên tiếp xóa nó đi.

Câu chuyện đã gây sự chú ý tới báo giới quốc tế. Tờ Dagsavisen, một tờ báo lớn của Nauy đã liên hệ với bà Kim Phúc, người hiện đã 53 tuổi và sống ở Canada. Bà Kim Phúc chỉ trích sự kiểm duyệt của Facebook đối với bức ảnh này. Bà chính là cô bé 9 tuổi, không có quần áo trên người, đang chạy khỏi ngôi làng bị đánh bom thời điểm đó.

Bà Kim Phúc hoàn toàn ủng hộ hình ảnh mang tính tư liệu mà ông Nick Út đã chụp để nói lên sự thật khủng khiếp về chiến tranh và hệ lụy của nó tới người dân vô tội.

Trong bức thư ngỏ, Tổng biên tập Hansen nhấn mạnh rằng, quyết định gỡ bỏ tấm ảnh của Facebook cho thấy bộ lọc của mạng xã hội này không có khả năng "phân biệt khiêu dâm trẻ em và hình ảnh của một cuộc chiến tranh", cũng như "không cho phép tạo ra một không gian mở để tiếp nhận những phản hồi hợp lý".

"Truyền thông có trách nhiệm cân nhắc về việc xuất bản trong từng trường hợp. Đây là quyền và nghĩa vụ mà mọi nhà biên tập trên thế giới có. Không nên để những nhà lập trình trong văn phòng của Facebook ở California (Mỹ) hủy hoại điều này", ông Hansen khẳng định.

Tin mới lên