Diễn đàn VNF

FDI - cần có định hướng và chính sách mới

Hiện nay một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt nam là tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới dựa vào công nghệ, coi trọng năng suất và chất lượng nhằm mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

FDI - cần có định hướng và chính sách mới

FDI - cần có định hướng và chính sách mới.

Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực tăng trưởng quan trọng trong hơn hai thập niên vừa qua, đang được vận hành khá suôn sẻ, tuy vậy đã nảy sinh một số vấn đề đòi hỏi phải điều chỉnh định hướng và chính sách thu hút FDI để khu vực kinh tế này đóng góp có hiệu quả hơn vào tái cấu trúc nền kinh tế. 

FDI với ngành và vùng lãnh thổ

Mặc dù liên tiếp trong 4 Đại hội từ Đại hội IX (2001) đến Đại hội XII (2016), Đảng ta đã để ra chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nhưng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra chậm chạp, cơ cấu đầu tư của FDI cũng trong tình trạng đó, các ưu tiên đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển không đạt được mục tiêu dự kiến.

Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp FDI tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chưa có tác động làm thay đổi thực trạng, dẫn đến tình trạng mặc dù vốn FDI thực hiện tăng với tốc độ trên 10%/năm, nhưng tác động lan tỏa của khu vực FDI còn hạn chế; ngành chế tạo đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới làm cho Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao như smarphone, máy tính bảng, điện tử gia dụng nhưng công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là của doanh nghiệp FDI. 

Do một số địa phương thiếu cẩn trọng lựa chọn dự án FDI và nhà đầu tư nên đã xảy ra tình trạng một số nhà máy sắt thép, xi măng, lọc hóa dầu gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, không có lợi về kinh tế - xã hội nếu tính đủ, tính đúng chi phí và thu nhập có liên quan, bao gồm môi trường và biến đổi khí hậu. Một số ngành công nghệ cao, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo chưa có những dự án FDI lớn, mặc dù đã có chính sách ưu đãi. 

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng lãnh thổ diễn ra chậm chạp. FDI mặc dù đã có ở tất cả các địa phương trong cả nước, nhưng vẫn tập trung ở các vùng có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thu hút được quá ít vốn FDI, trong khi kinh tế tư nhân chưa được phát triển, do vậy, đất nước càng phát triển thì khoảng cách về thu nhập dân cư giữa các vùng kinh tế càng gia tăng.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó là do chưa đầu tư thích đáng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực ở vùng kinh tế kém phát triển để tạo ra môi trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư. 

Khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao

Các KKT, KCN, KCNC phát triển nhanh ở nhiều địa phương nhưng có cơ cấu gần như tương tự với nhau, không tạo ra lợi thế của sự khác biệt từng địa phương, từng vùng lãnh thổ.

Một là một số KCN đã được quy hoạch từ khi bắt đầu khởi công xây dựng, nhưng nhiều KCN đã được hình thành mà chưa tính đến các yếu tố bảo đảm thành công của chúng, thậm chí còn được xây dựng theo phong trào, địa phương nào cũng muốn có KCN.

Hai là diện tích thuê đất của các KCN đang hoạt động trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên, có nhiều KCN đang xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa có dự án đầu tư, gây ra lãng phí lớn về việc sử dụng đất đai và vốn đầu tư.

Ba là, các KCN thu hút hàng vạn lao động, trong đó có cả lao động tại chỗ và lao động từ các địa phương khác. Hậu cần ở các KCN đang là vấn đề thời sự như nhà ở cho công nhân, trường học cho con em của họ, bệnh viện, bệnh xá và các dịch vụ khác chưa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động. 

Khu CNC Hòa Lạc được thành lập từ 1998, sau gần 20 năm vẫn chưa hoàn thành giải tỏa mặt bằng, chưa có dự án FDI quy mô lớn công nghệ cao, nghiên cứu & phát triển, cũng khó dự báo đến khi nào mới hoàn thành mục tiêu ban đầu của khu này (!). 

Thị trường và đối tác

Đầu tư từ Mỹ, EU và những nước OECD khác vào Việt Nam còn rất khiêm tốn nếu so với FDI của các nước đó vào Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia. Từ đầu thế kỷ XXI, Chính phủ có chủ trương thu hút FDI từ các TNCs lớn của thế giới vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, nhưng đến nay mới có khoảng 60 TNCs trong số 500 TNCs hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam (Trung Quốc đã thu hút hơn 400 TNCs). 

Đối với Mỹ, mặc dù đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiều lần khẳng định rằng, các nhà đầu tư Mỹ đã sẵn sàng vào Việt Nam, Mỹ sẽ chiếm vị trí số 1; trên thực tế đã có nhiều cuộc tiếp xúc, bản ghi nhớ nhưng hình như vẫn còn một số trở ngại từ hai phía cần được khắc phục thì mới hy vọng tạo ra làn sóng FDI của Mỹ tại Việt Nam để nước ta không những có thêm vốn đầu tư mà quan trọng hơn là du nhập công nghệ hiện đại và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Đối với Châu Âu thì việc thực hiện FTA giữa Việt Nam và EU không những có tác dụng gia tăng thương mại hai chiều, mà cần chú trọng hơn việc thu hút các tập đoàn kinh tế hàng đầu với những dự án quy mô lớn về năng lượng điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo, công nghệ tin học, công nghệ sinh học, hợp tác giáo dục là những ngành và lĩnh vực một số nước Châu Âu có thế mạnh. 

Hình thức và phương thức đầu tư

Sự biến động hình thức và phương thức đầu tư trong các giai đoạn phát triển của Việt Nam đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong định hướng mới. 

Giai đoạn đầu thu hút FDI trong thập niên 90 của thế kỷ trước hình thức liên doanh chiếm khoảng 70% dự án và vốn đầu tư. Từ đầu thế kỷ XXI đã có sự chuyển dịch lớn, trên 80% dự án và vốn đầu tư là 100% vốn nước ngoài. Có hai nguyên nhân chính của sự chuyển dịch đó: (i) trong thời kỳ đầu nhà đầu tư nước ngoài muốn thông qua Bên Việt Nam trong liên doanh để dễ tiếp cận với nhà chức trách Việt Nam, nhưng về sau họ đã có thể tự làm được việc đó; (ii) đầu tư vào các KCN, KKT thực hiện 100% vốn nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn liên doanh. Nhược điểm lớn nhất của tình trạng có quá nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là chuyển giao công nghệ bị hạn chế và tác động lan tỏa ít so với liên doanh. 

Phương thức Đầu tư - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) hoặc dạng khác như Đầu tư - Chuyển giao (BT) được du nhập vào nước ta từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước nhằm tạo ra một kênh mới để thu hút FDI vào hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không, nhà máy điện với ưu đãi cao để khắc phục nhanh chóng tình trạng lạc hậu về kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Đáng tiếc là do xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp cung ứng đầu vào với doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra nên có quá ít dự án BOT thành công. Trong khi đó BOT lại được vận dụng vào đầu tư trong nước mà không ít dự án lấy vốn nhà nước để thực hiện dự án công, thực chất là "lấy mỡ nó rán nó" chỉ trực tiếp có lợi cho một nhóm lợi ích mà thôi. 

Những năm gần đây lại có thêm phương thức Hợp tác công tư (PPP), được một số người có chức quyền coi như một giải pháp mới sẽ có hiệu quả nhanh, nhưng thực thất cũng như BOT. Đáng tiếc, mặc dù đã tốn khá nhiều công sức, thời gian, kinh phí nhưng hầu như chưa có mấy dự án PPP được thực hiện có hiệu quả. Hình thức và phương thức đầu tư đòi hỏi phải có định hướng rõ ràng với chính sách thích hợp để thu hút FDI vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đất nước. 

Các vấn đề khác

Trên thực tế đã có hiện tượng một số nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn lao động. Việc chuyển giao công nghệ, sáng chế phát minh, giải pháp kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chưa tương xứng với vốn đầu tư, nhất là trong những ngành công nghệ cao như công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy. 

Một số doanh nghiệp FDI đã lợi dụng sơ hở của quản lý nhà nước gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thậm chí đến mức gây ra thảm họa môi trường trên diện rộng, nhiều KCN không có hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng. Tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến lúc phải báo động để có được những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục về cơ bản, bảo đảm sự phát triển bền vững cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau. 

Tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây gắn với tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng nguyên nhân quan trọng là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI. Tình trạng đó đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước và hiện tượng "lỗ giả, lãi thực" trong khi không ít doanh nghiệp tuy công bố lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tái đầu tư, mở rộng sản xuất. 

Tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp FDI có xu hướng gia tăng do xung đột về lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động. Tuy vậy cũng cần phải thấy rằng nhiều cuộc đình công, bãi công của người lao động không tuân thủ quy định của luật lao động, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp FDI chưa phát huy vai trò là người đại diện quyền lợi hợp pháp của người lao động để thương lượng và đấu tranh với chủ doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện lao động, sinh hoạt và lợi ích của người lao động

Những vấn đề trên đây đòi hỏi từ tổng kết thực tiễn 30 năm kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày 29/12/1987, đề đề ra định hướng và chính sách mới cho giai đoạn 2017- 2020.

Tin mới lên