Tiêu điểm

Formosa xin lỗi vì 'phát ngôn gây hiểu nhầm', khẳng định quyết tâm đầu tư nghiêm túc

(VNF) - Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đưa ra lời xin lỗi sau phát ngôn gây chấn động về lựa chọn "cá hay thép".

Formosa xin lỗi vì 'phát ngôn gây hiểu nhầm', khẳng định quyết tâm đầu tư nghiêm túc

Ban lãnh đạo FHS cúi đầu xin lỗi tại cuộc họp báo. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chiều nay (26/4), Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã tổ chức họp báo để giải thích rõ câu nói khiến dư luận đang dậy sóng "Phải chọn hoặc nhà máy thép hoặc cá tôm" của ông Chu Xuân Phàm, một lãnh đạo công ty này trước đó.

Đại diện lãnh đạo FHS gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến toàn thể người dân Việt Nam vì những phát biểu của ông Chu Xuân Phàm gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa FHS với chính quyền và nhân dân Việt Nam.

Trước đó, ông Chu Xuân Phàm – Phó trưởng Phòng Đối ngoại FHS trả lời phỏng vấn báo chí đã nói đại ý khi có dự án xây dựng tại đây thì rất khó để có thể được cả hai, vừa đánh bắt hải sản vừa xây dựng khu công nghiệp. 

Phát ngôn của ông Phàm về việc "chọn cá tôm hay chọn thép" đã gây sự phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.

Ông Trương Phục Ninh, Phó Tổng giám đốc điều hành thay mặt lãnh đạo FHS và cá nhân ông Chu Xuân Phàm gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến toàn thể người dân Việt Nam vì những phát biểu của ông Phàm gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ và tình hình công ty.

"Ông Chu Xuân Phàm chỉ là một trong những cán bộ được FHS điều cử làm việc tại Văn phòng Hà Nội, hoàn toàn không phải là người phát ngôn của công ty. Đối với việc ông Phàm chưa được ủy quyền phát ngôn mà đã tự ý đưa ra những phát biểu không đúng đắn mang tính chất cá nhân, công ty sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Phàm" - đại diện FHS nói.

Liên quan đến việc xả thải, đại diện FHS cho biết, lập trường nhất quán của công ty là toàn lực thúc đẩy nền công nghiệp và kinh tế Việt Nam phát triển, đồng thời tuân thủ pháp luật Việt Nam, làm tốt việc bảo vệ môi trường.

Cụ thể, FHS đã đầu tư 45 triệu USD vào hệ thống xử thải. Toàn bộ nước thải phát sinh đều phải thông qua xử lý nghiêm ngặt, sau khi đo kiểm phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam mới dược xả thải. 

"Công ty chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung, gỡ bỏ mối nghi ngờ của dư luận xã hội", đại diện FHS cho biết.

Theo giấy phép cấp ngày 11/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thời hạn 10 năm, cho phép FHS được xả thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải.

FHS được xả nước thải sau khi xử lý ra biển thông qua đường ống thép không gỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy với lưu lượng nước thải lớn nhất là 45.000m3/ngày đêm.

Giấy phép cũng quy định chi tiết thông số và giới hạn nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải bao gồm 12 thành phần, trong đó: nhiệt độ nước xả thải không quá 40 độ C; độ pH từ 5,5-9, chất rắn lơ lửng 117mg/l, tổng dầu mỡ khoảng 11,7mg/l, tổng phenol 0,585mg/l, tổng xyanua 0,585mg/l, ni-tơ 70,2mg/l, thủy ngân 0,0117mg/l.

Tin mới lên