M&A

FPT sẽ chi 100 triệu USD cho các thương vụ M&A ở nước ngoài

(VNF) - Chủ tịch FPT nêu thông điệp "tìm kiếm các cơ hội M&A trên khắp thế giới" và "muốn trở nên chuyên sâu hơn trong lĩnh vực chuyên môn".

FPT sẽ chi 100 triệu USD cho các thương vụ M&A ở nước ngoài

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg sáng 8/12, Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình cho biết FPT đang chuẩn bị chi 100 triệu USD cho 2 thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ở Nhật Bản và Mỹ.

Các thương vụ này nằm trong kế hoạch tổng thể của FPT, theo đó sẽ đẩy mạnh hoạt động M&A ở nước ngoài nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường trong nước. 

Mục tiêu của FPT là các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông hoặc dịch vụ tài chính và theo kế hoạch, hai thương vụ ở Nhật và Mỹ sẽ được chốt trong năm nay.

"Chúng tôi tìm kiếm các cơ hội M&A trên khắp thế giới. Chúng tôi muốn trở nên chuyên sâu hơn trong lĩnh vực chuyên môn", ông Bình cho biết.

Trước đó, thương vụ M&A nước ngoài đầu tiên của FPT là thâu tóm công ty RWE IT Slovakia từ năm 2014. Việc mua bán và sáp nhập nhằm mục tiêu đưa doanh thu ở nước ngoài của FPT lên tới 1 tỷ USD vào năm 2020, so với mức 203,3 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2016. 

Với thương vụ RWE IT Slovakia, FPT đã mua năng lực công nghệ khi sở hữu 300 chuyên gia. Thương vụ này cũng mang lại cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần 1 tỷ USD) và có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas…) không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn ở thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật.

FPT đang hiện diện tại 19 quốc gia với hơn 1.200 nhân sự là người nước ngoài. Tập đoàn cũng đang có khoảng 400 đối tác nước ngoài, trong đó có 40 hãng nằm trong nhóm Forbes 500 (danh sách 500 công ty hàng đầu tại Mỹ về doanh thu, lợi nhuận, tài sản, vốn hóa và nhân lực).

Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng gây ấn tượng tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN Bloomberg với nhận định về vấn đề hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh không có TPP.

"Việt Nam đã tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu. Nhưng nếu không có TPP, Việt Nam vẫn phải mở cửa và phát triển thương mại. Đó là xu thế không ai không theo nhưng có thể chậm lại trong trường hợp TPP không được thông qua", ông nói.

Tin mới lên