Tài chính quốc tế

G20: Sẽ ngừng "chống lưng" các ngân hàng lớn

(VNF) - Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chuẩn bị thông qua kế hoạch ngừng "chống lưng" cho các ngân hàng lớn nhất thế giới, buộc các các ngân hàng này phải tăng dự trữ tiền mặt tới 1,2 nghìn tỷ USD, đề phòng bất kỳ một cuộc khủng hoảng tài chính nào xảy ra.

G20: Sẽ ngừng "chống lưng" các ngân hàng lớn

Các nhà lãnh đạo G20 và các thành viên của Ủy ban ổn định tài chính (FSB) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/11/2015

Ngày 9/11, Ủy ban Bình ổn tài chính (FSB), cơ quan được lập bởi nhóm 20 quốc gia G20 sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã đề xuất một bản kế hoạch cho trường hợp các ngân hàng lớn nhất thế giới nếu có nguy cơ sụp đổ sẽ không phải dùng tiền thuế vào việc cứu trợ (hay nói cách khác là ngân sách chính phủ). Bản đề xuất này buộc các nhà đầu tư trái phiếu phải chấp nhận chịu lỗ nếu các ngân hàng này phá sản.

Theo thông cáo từ cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo G20 đã ký kết thông qua bản kế hoạch này và dự kiến sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2019. 

FSB cho rằng các ngân hàng được cho là "quá lớn không thể bị phá sản" (Too big to fail) này vẫn chưa đủ nỗ lực sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để đảm bảo sự tồn tại nếu một cuộc khủng hoảng lại xảy ra.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với cơn địa chấn "Lehman Brothers" đã đi vào lịch sử không thể nào quên đối với giới đầu tư tài chính toàn cầu và là bài học đắt giá cho các ngân hàng lớn. 

Sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman, định chế tài chính 158 năm tuổi và là ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Mỹ vào thời điểm đó đã tuyên bố phá sản hôm 15/9/2008, là kết quả của việc biến các khoản cho vay mua bất động sản thành các gói trái phiếu có gốc bất động sản đầy rủi ro cung cấp cho thị trường.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã tạo ra một cơn sóng thần thất nghiệp tại Wall Street, đồng thời tạo ra phản ứng tiêu cực cho cả thị trường chứng khoán thế giới.

FSB nhận định để không phải dùng tiền thuế vào việc cứu trợ các ngân hàng, các ngân hàng lớn nhất thế giới bắt buộc phải tăng dự trữ tiền mặt để tránh nguy cơ khủng hoảng tài chính. 

Theo FSB, đến năm 2019, 30 ngân hàng lớn nhất thế giới cần thiết lập đệm vốn tương đương 16% tổng giá trị tài sản. Con số này sẽ tăng lên 18% vào năm 2022. Theo đó, các ngân hàng này sẽ phải huy động thêm tới 1.100 tỷ Euro tiền mặt (tương đương 1,2 nghìn tỷ USD) và tiền thu được phải để làm vốn dự phòng chứ không được mang ra kinh doanh.

Chủ tịch FSB, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Mark Carney cho biết cơ quan này đã nhất trí việc kế hoạch để các ngân hàng lớn nhất thế giới nếu bị phá sản sẽ không đặt cả hệ thống tài chính và ngân sách nhà nước trước rủi ro.

Trong một lá thư gửi tới các nhà lãnh đạo G20, ông Carney nói thêm rằng không có cải cách có thể bảo vệ tuyệt đối hệ thống ngân hàng trước các cú sốc, tuy nhiên, việc tăng vốn dự phòng sẽ đảm bảo rằng, trong tương lai, các ngân hàng, chứ không phải người đóng thuế, phải chịu hậu quả từ việc kinh doanh của chính các ngân hàng này.

Đề xuất trên được nêu ra do các nước đã "quá ngán ngẩm" với các ngân hàng, khi kinh doanh tốt thì chủ ngân hàng và cổ đông chia nhau lợi tức. Tuy nhiên lúc thua lỗ thì nhà nước phải lấy tiền ngân sách ra giải cứu, mà ngân sách lại chính từ tiền đóng thuế của người dân.

Những yêu cầu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng lớn nhất thế giới như Ngân hàng JPMorgan, Citigroup, Bank of America và Goldman Sachs của Mỹ cũng như các ngân hàng khổng lồ của châu Âu như HSBC và Barclays.

Tin mới lên