Bất động sản

Ga Hà Nội: Di sản trăm năm và tương lai… 'chọc trời'

(VNF) - Lịch sử trăm năm của ga Hà Nội sẽ có sự thay đổi lớn với Đồ án quy hoạch mới của thành phố Hà Nội?

Ga Hà Nội: Di sản trăm năm và tương lai… 'chọc trời'

Ga Hà Nội ngày nay

Dấu ấn người Pháp

Người Pháp chính thức đặt chân lên Việt Nam từ năm 1858 và rời đi năm 1954. Trong quãng thời gian ngót 100 năm đó, người Pháp đã để lại trên xứ sở này vô số công trình lớn nhỏ. Tại Hà Nội, di sản của các kiến trúc sư Pháp (Henri Vildieu, Ernest Hébrard, Louis-Georges Pineau, Henri Cerutti) để lại là quy hoạch chung thành phố, các trụ sở công quyền, các bệnh viện, trường học, bảo tàng, thư viện… Đó còn là các công trình thế kỉ như Nhà thờ lớn, Nhà hát lớn, cầu Long Biên và… ga Hà Nội.

Được xây dựng vào năm 1902 bởi Henri Vildieu – kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Hà Nội, người đã quy hoạch lại Hà Nội theo phong cách quy hoạch đô thị phương Tây - ga Hà Nội (tên cũ là ga Hàng Cỏ) là một trong đầu mối giao thông vận tải quan trọng nhất của Thủ đô.

Hình ảnh về ga Hà Nội xưa - thời Pháp thuộc

Theo cố Giáo sư Đặng Phong (trong cuốn "Chuyện Thăng Long Hà Nội qua một đường phố"), ga Hàng Cỏ được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đợt đầu xây tòa nhà chính của nhà ga, gồm 3 tầng, nhìn thẳng ra con đường Gambetta, tức đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Tầng dưới là đại sảnh, dành cho việc bán vé, đón khách ra vào, đi thông vào sân ga phía trong. Tầng hai là nơi làm việc của các nhân viên và bộ phận kỹ thuật, nghiệp vụ. Tầng ba là bộ phận hành chính.

Ga Hàng Cỏ ban đầu nằm trong diện tích 216.000 m2, tức hơn 21 ha, trong đó diện tích xây dựng là 105.000 m2 nhà cửa, còn lại là sân ga, đường sắt.

Từ ga, các tuyến đường sắt lần lượt được hình thành, nối thủ đô Hà Nội với mọi miền của đất nước. Ban đầu là tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn rồi Hà Nội - Hải Phòng (1903), Hà Nội - Lào Cai (1905). Phải hơn 30 năm sau – năm 1936, con đường sắt xuyên Việt mới được hình thành.

Ga Hàng Cỏ và tuyến đường sắt xuyên Việt được xe là tuyến giao thông quan trọng hàng đầu, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

Một góc khác của Ga Hàng Cỏ - Ga Hà Nội

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), nhà ga mang đầy vết đạn bom, nhiều đoạn đường ray bị bóc, sau đó được phục hồi dần từ tháng 3/1947. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, ga Hàng Cỏ trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ cùng với các cơ sở lân cận như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên… 

Ngày 21/12/1972, nhà ga đã bị một quả bom lớn ném trúng khiến nhà đại sảnh bị đánh sập hoàn toàn. Từ đây, tàu hỏa và các xe tải đều phải chạy vào ban đêm.

Hòa bình lập lại, năm 1975, ga Hàng Cỏ được chính thức đổi tên thành ga Hà Nội. Trải qua nhiều lần sửa chữa, đến nay ga Hà Nội có chiều dài gần 200m. Phía đường Lê Duẩn (trước đây là đường Nam Bộ) là khu A, chuyên phục vụ các chuyến tàu Thống Nhất. Phía sau khu A là khu B nằm trên phố Trần Quý Cáp (đoạn gần ngã ba Nguyễn Khuyến - Trần Quý Cáp)

Toàn nhà ga hiện có gần 400 cán bộ công nhân viên. Mỗi năm ga Hà Nội có doanh thu khoảng 441 tỷ đồng chiếm 20% doanh thu toàn ngành vận tải đường sắt.

Tương lai "chọc trời"

Những ngày gần đây, thông tin về việc thành phố Hà Nội sẽ quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội và phụ cận (tỷ lệ 1/2000) đang làm xôn xao dư luận.

Theo đồ án quy hoạch, ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.

Ngoài ra quy hoạch cũng chỉ ra 9 phân khu với các công trình xây dựng cao từ 40 – 70 tầng. Dự kiến, với 98,1ha diện tích lập quy hoạch, dân số khu vực sẽ khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).

Ga Hà Nội sẽ bị vây bởi các cao ốc 40 - 70 tầng?

Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội hiện đang được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên thời gian qua, khá nhiều chuyên gia đã lên tiếng lo ngại về quy hoạch này.

Các ý kiến lo ngại tập trung vào 2 khía cạnh. Một là quy hoạch đang "đi ngược" với Đồ án quy hoạch chung xây dưng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011; và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào tháng 4/2016 – theo đó khu vực đường Lê Duẩn chỉ được xây 9 tầng – 32m.

Hai là khu vực được bố trí quá nhiều khu cao tầng sẽ làm tăng dân số cơ học, khiến hạ tầng có nguy cơ bị quá tải.

Trả lời báo giới về các lo ngại này, ông Lê Vinh – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định: "Thành phố không ưu ái gì trong việc đề xuất xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực ga Hà Nội. Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung năm 2011, nếu đề xuất của Thành phố có khác so với quy hoạch thì Thủ tướng là người quyết định khác hay không khác".

Tuy nhiên, theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần phải làm rõ việc khu vực ga Hà Nội có cần xây dựng khu tài chính, thương mại, khu lối sống mới, nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 70 tầng không? Bởi thứ khu vực ga Hà Nội thiếu là công viên, công trình văn hóa phục vụ đời sống người dân trong khu vực.

Ông Liêm cũng cho rằng việc quy hoạch các khu cao tầng tại mảnh đất vàng này là chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bất động sản, mà không có lợi nhiều cho chủ trương giãn dân nội đô của Hà Nội.

Tin mới lên