Bất động sản

Geleximco nhắm dự án Bắc Giang-Lạng Sơn dù từng thất bại với cao tốc

(VNF) - Geleximco muốn được đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT, dù từng... thất bại với một kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực giao thông tròn 4 năm trước.

Geleximco nhắm dự án Bắc Giang-Lạng Sơn dù từng thất bại với cao tốc

Ông Vũ Văn Tiền, Tổng giám đốc Geleximco vừa ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép đơn vị này cùng đối tác của Geleximco được tham gia vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với tỷ lệ tối thiểu khoảng 70%.

Theo văn bản này, phía Geleximco cho biết là đã đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư hiện hữu để có thể giải quyết các khó khăn về vốn tại Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng này.

Cụ thể, Geleximco cho biết đã thu xếp được với Ngân hàng ABBank và nhóm các ngân hàng đồng tài trợ do ABBank làm đầu mối trong trường hợp nhà đầu tư này được chấp thuận, trong đó ABBank thu xếp 2.000 tỷ đồng; Agribank thu xếp 3.000 tỷ đồng, TPBank thu xếp 800 tỷ đồng.

ABBank cũng là ngân hàng mà ông Vũ Văn Tiền và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ một lượng cổ phần khá lớn.

Cũng trong văn bản này, Geleximco cam kết xử lý dứt điểm các tồn tại liên quan đến vốn chủ sở hữu của Dự án với điều kiện là được điều chỉnh mức lãi suất vay vốn của hợp đồng BOT.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có mục tiêu xây dựng 64 km cao tốc quy mô 4 làn xe, tăng cường 110 km mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu, với tổng mức đầu tư 12.188,3 tỷ đồng do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty cổ phần Đầu tư 468, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, Công ty cổ phần Giao thông xây dựng số 1, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.

Theo kế hoạch, Dự án do tổ hợp nhà đầu tư do Công ty cổ phần Đầu tư UDIC đứng đầu này sẽ phải hoàn thành vào năm 2018, tuy nhiên, do không hoàn thành việc huy động vốn chủ sở hữu và thu xếp các khoản vay thương mại nên đang bị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét chấm dứt hợp đồng.

Đáng chú ý là, chính Geleximco từng...thất bại với một kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực giao thông tròn 4 năm trước. Cụ thể, vào tháng 3/2013, Tập đoàn này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình xin được bàn giao lại dự án cho các địa phương đầu tư hoặc Bộ Giao thông Vận tải, hoặc cho phép chuyển hình thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức PPP, trong đó đơn vị này xin làm nhà đầu tư thứ nhất.

Lý lẽ của Geleximco là do quỹ đất đối ứng cho dự án của cả tỉnh Hòa Bình và Hà Nội không đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường. 

Tính toán của nhà đầu tư cho thấy, hiện tổng mức đầu tư dự án dài khoảng 33 km vào khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua thành phố Hà Nội cần 11.021 tỷ đồng.

Trong khi đó, Geleximco được Hòa Bình bố trí cho 3 dự án đối ứng là khu đô thị Yên Quang 150 ha, khu đô thị Trung Minh 130 ha, sân golf Trung Minh 36 lỗ. Dự án đối ứng trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến là khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600 ha. 

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên Geleximco sẽ "rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết".

Tin mới lên