Tài chính quốc tế

Giá dầu 21/12 xuống mức thấp nhất 11 năm

(VNF) - Giá dầu Brent ngày 21/12 đã chính thức chạm đáy 11 năm kể từ năm 2004 sau khi tuột ngưỡng 36,2 USD/thùng, trước bối cảnh cuộc chiến giành thị phần của các nhà sản xuất dầu mỏ từ Trung Đông và Mỹ đang ngày càng căng thẳng.

Giá dầu 21/12 xuống mức thấp nhất 11 năm

Giá dầu Brent tương lai tại thị trường London ngày 21/12 đã giảm gần 2%, ghi nhận mức thấp kỷ lục 36,17 USD/thùng vào lúc 7h42' sáng, thấp nhất kể từ ngày 13/7/2004 và đã xuống dưới ngưỡng 36,20 USD/thùng ghi nhận tại cuộc khủng hoảng tài chính hồi tháng 12/2008. Giá dầu đã giảm 37% trong năm nay.

Giá dầu WTI tại thị trường New York cũng giảm 33 cent, ở mức 34,40 USD/thùng. 

Áp lực từ đồng USD tăng mạnh sau khi Mỹ tăng lãi suất cùng với sự gia tăng lượng giàn khoan mới từ Mỹ đã đè nặng lên giá dầu thô. Quốc hội Mỹ ngày 18/12 đã thông qua dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sau gần 40 năm.

"Lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng trở lại trong tuần này, đặt dấu chấm hết cho bốn tuần giảm liên tiếp", Ngân hàng Goldman Sachs cho biết.

"Sự gia tăng lượng giàn khoan bất chấp giá dầu thô thấp cho thấy các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ cam kết sẽ duy trì sản lượng sản xuất. Dữ liệu sản xuất cho thấy các kho dự trữ dầu thô Mỹ đã tăng lên 491 triệu thùng, mức cao nhất kể từ năm 1930", Ngân hàng ANZ cho biết.

Dư thừa nguồn cung từ Mỹ cùng với lượng dầu dư thừa trên toàn cầu từ các nhà sản xuất chính, bao gồm cả Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khiến lượng dầu thô bơm vào thị trường đã vượt quá sức cầu.

Sản xuất dầu thô của Nga đã vượt 10 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ sự kiện Liên Xô sụp đổ trong khi sản lượng từ OPEC vẫn gần mức kỷ lục trên 31,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Bổ sung vào lượng dư thừa hiện nay là một nguồn cung mới dự kiến đến từ Iran vào đầu năm 2016 khi lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ.

Iran sẽ xuất khẩu phần lớn số lượng uranium của nước này sang Nga trong những ngày tới để có thể đảm bảo gỡ bỏ cấm vận kinh tế theo thỏa thuận hồi tháng 7/2015. Xuất khẩu nguyên liệu dùng để chế tạo bom hạt nhân là một trong những bước đi quan trọng, yêu cầu Iran cần phải tuân thủ theo thỏa thuận đạt được với 6 cường quốc trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Đức và Trung Quốc. Đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran trước đó.

Về phía cầu, sức cầu giảm hầu hết tại các thị trường Bắc bán cầu khi khu vực này đang trải qua đợt đầu đông bớt giá lạnh hơn một phần do các hiện tượng thời tiết El Nino, làm thu hẹp nhu cầu sử dụng dầu sưởi ấm.

Tin mới lên