Học thuật

Giả thuyết kỳ vọng hợp lý và ứng dụng của lý thuyết kỳ vọng hợp lý

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu về Giả thuyết kỳ vọng hợp lý (rational expectation hypothesis) và ứng dụng của lý thuyết kỳ vọng hợp lý.

Giả thuyết kỳ vọng hợp lý và ứng dụng của lý thuyết kỳ vọng hợp lý

Giả thuyết kỳ vọng hợp lý (Rational expectation hypothesis) cho rằng dự báo về các sự kiện tương lai nhìn chung không lệch và là kết quả của việc sử dụng toàn bộ thông tin thích hợp hiện có.

Giả thuyết kỳ vọng hợp lý là gì?

Giả thuyết kỳ vọng hợp lý (Rational expectation hypothesis) là giả thuyết cho rằng dự báo hay dự đoán của tác nhân kinh tế về các sự kiện tương lai nhìn chung không lệch và là kết quả của việc sử dụng toàn bộ thông tin thích hợp mà họ có vào thời điểm phải đưa ra quyết định. Chỉ có những thông tin mới nhận được mới tác động tới kỳ vọng hoặc hành vi của họ.

Chỉ tiêu cho đầu tư vào kinh doanh và hàng tồn kho chịu ảnh hưởng lớn của kỳ vọng về tương lai của các nhà kinh doanh. Kỳ vọng là nhân tố chủ yếu gây ra chu kỳ kinh doanh. Nếu các nhà kinh doanh hoạt động trong điều kiện hiểu biết hoàn hảo, thì chu kỳ kinh doanh dưới dạng hiện nay có lẽ không tồn tại. Kỳ vọng đóng vai trò đáng kể trong các cuộc thương lượng về tiền lương, trong đó người chủ và người lao động phải dự kiến về các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, chẳng hạn như tỷ lệ lạm phát. Nếu các tác nhân kinh tế hiểu biết toàn diện về tương lai, ảo tưởng tiền tệ sẽ không tồn tại, và việc làm hay mức sử dụng lao động sẽ luôn phụ thuộc vào tiền lương thực tế.

Theo quan điểm thống kê, giả định này không hàm ý kỳ vọng luôn luôn chính xác. Sai số dự báo có thể phát sinh, nhưng nó không chệch và dự báo được. Về cơ bản, kỳ vọng tồn tại dưới dạng một phân phối xác suất có số bình quân và phương sai nhất định, mặc dù giả thuyết kỳ vọng hợp lý chủ yếu liên quan đến số bình quân.

Mô hình kỳ vọng hợp lý có thể áp dụng nhiều hơn cho các thị trường đang tiến đến sự cạnh tranh hoàn hảo và ít có tác dụng hơn khi được vận dụng vào việc phân tích các vấn đề kinh tế vĩ mô hiện đại.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Ứng dụng của lý thuyết kỳ vọng hợp lý

Hàm ý chính sách quan trọng của lý thuyết kỳ vọng hợp lý là sự can thiệp của chính phủ là không hiệu quả. Nếu người dân hình thành những kỳ vọng hợp lý về tương lai, thì chính sách tốt nhất là không có chính sách. Nói cách khác, chính phủ nên cân bằng ngân sách vì cung tiền phải luôn tăng trưởng cùng tốc độ với GDP danh nghĩa. Sự ổn định chính sách sẽ làm giảm lạm phát vì người dân sẽ bắt đầu kỳ vọng tỉ lệ lạm phát giữ ở mức thấp.

Lý thuyết kỳ vọng hợp lý được kiểm chứng giữa 1979 và 1982, khi Paul Volker, chủ tịch của Cơ quan dự trữ liên bang Mỹ tuyên bố rằng ông sẽ ấn định mục tiêu tăng trưởng cung tiền để loại bỏ những kỳ vọng lạm phát. Theo các nhà kinh tế trọng tiền, doanh nghiệp và người lao động sẽ điều chỉnh kỳ vọng của mình về lạm phát tương lai và thôi không đòi hỏi giá cả và tiền lương cao hơn. Lạm phát giá sẽ giảm nhưng tác động lên nền kinh tế thực sẽ ôn hòa. Milton Friedman cho rằng chỉ cần giảm vừa phải việc làm để giảm lạm phát vào 1982.

Dưới thời Volcker, lãi suất vốn liên bang hay lãi suất chuẩn của Cơ quan dự trữ liên bang đạt 20% vào tháng 6/1981. Lạm phát thật sự giảm từ 10% đầu 1981 xuống 3,6% hai năm sau. Tuy nhiên trong thời gian đó, nền kinh tế lại gánh chịu đợt suy thoái tệ hại nhất trong 50 năm. Thất nghiệp đạt đỉnh điểm hơn 10% và không giảm thấp hơn 7% cho đến 1986. Đây không phải là những gì mà các nhà kinh tế tân cổ điển dự báo. Hiển nhiên, người dân không hẳn là suy xét nhiều như họ nghĩ.

Tin mới lên