Ngân hàng

Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới 23.330 đồng

(VNF) - Đầu tuần, giá USD tiếp tục diễn biến phức tạp. Đã có ngân hàng niêm yết giá USD chiều bán ra ở mức 23.330 VND/USD, cao nhất từ trước đến nay.

Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới 23.330 đồng

Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới 23.330 đồng, chỉ cách trần giá USD vỏn vẹn 8 đồng.

Theo khảo sát lúc 15h00, ngân hàng Sacombank hiện đang niêm yết giá USD chiều bán ra ở mức 23.330 VND/USD.

Trong khi đó, giá USD tại Eximbank và Techcombank chiều bán ra cùng niêm yết ở mức 23.320 VND/USD. Con số này ở HSBC Việt Nam là 23.315 VND/USD.

Khá đáng chú ý khi một ngân hàng quốc doanh lớn như BIDV cũng niêm yết giá USD bán ra ở mức cao 23.320 VND/USD.

Các ngân hàng quốc doanh khác niêm yết giá USD ở mức thấp hơn. Giá USD bán ra tại Vietcombank hiện đang ở mức 23.300 VND/USD; trong khi ở VietinBank là 23.299 VND/USD.

Giá USD ngân hàng hiện vẫn đang thấp hơn giá USD tự do khoảng 120 VND/USD.

Hiện trần giá USD được Ngân hàng Nhà nước quy định ở mức 23.338 VND/USD.

Bình luận về chính sách tỷ giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, theo đúng nghĩa là đi dây giữa 2 nền kinh tế, tức là Việt Nam nên phá giá VND so với USD nhưng không giảm mạnh như Nhân dân tệ.

“Ví dụ Nhân dân tệ giảm 10% thì VND chỉ giảm 5%. Như vậy hàng Trung Quốc vẫn rẻ nhưng không quá rẻ còn hàng bán sang Mỹ vẫn được giá 5%. Mặc dù trên thực tế con số sẽ khác nhưng tôi nghĩ mức giảm có thể là 2- 3%, từ đây đến cuối năm”, ông Thành nói.

Ở một góc nhìn khác,  ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho hay, nếu như Ngân hàng Nhà nước khăng khăng cố định tỷ giá thì sẽ phải bán ra lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn. Điều này hoàn toàn có thể làm bởi lượng dự trữ ngoại tệ lên tới gần 63 tỷ USD. Nhưng nếu quá cứng nhắc và chiến tranh thương mại còn leo thang nữa thì đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường.

Dù vậy, theo vị chuyên gia này, việc chủ động phá giá VND không phải là chính sách nên làm.

Ông Thành cho rằng xuất khẩu đang tăng trưởng tốt thì chưa chắc phá giá VND, xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn. Nhà điều hành chỉ phá giá đồng nội tệ khi xuất khẩu chững lại hoặc giảm xuống. Còn trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng tới 16% so với cùng kỳ.

“Thứ hai, cũng phải tính toán tới bầu không khí bảo hộ thương mại ở khắp nơi hiện nay. Các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với một đối tác nào đó đều là tâm điểm để đối tác đó đe dọa đưa ra biện pháp bảo hộ. Về mặt quan hệ đối ngoại, một quốc gia sẽ bị các đối tác thương mại tấn công nếu chủ động phá giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu”, chuyên gia Fulbright nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm rằng, biến động của nhiều đồng tiền lớn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo theo không ít kiến nghị về việc phá giá VND.

Nhưng theo ông Dương, kiến nghị phá giá VND là vội vàng và thiếu cơ sở.

Ông Dương cho rằng trong bối cảnh hiện nay, điều hành tỷ giá chỉ nên được coi là một phần trong kết hợp chính sách để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ưu tiên điều hành tỷ giá, do đó, cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng.

Theo chuyên gia CIEM, các ý kiến và kiến nghị về tăng tỷ giá VND/USD đều chỉ nhìn việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ như một sự kiện riêng biệt, trong khi ít nhiều còn thiếu thực tiễn về hoạt động thương mại cũng như thị trường ngoại hối.

Ông Dương cho rằng, dựa hoàn toàn vào tỷ giá theo cách “phá giá” để ứng phó với những tác động bất lợi đối với thương mại là không phù hợp. Bởi bất định đối với thương mại hiện nay xuất phát từ những vấn đề của kinh tế thực của Mỹ và Trung Quốc, khó có thể xử lý trong ngắn hạn. Trong chừng mực ấy, dùng biện pháp tiền tệ để xử lý vấn đề kinh tế thực khó có thể mang lại hiệu quả bền vững.

Ông Dương nhấn mạnh, trong hầu hết trường hợp, tỷ giá đều thay đổi quá mức cần thiết trước khi điều chỉnh trở lại. Chính vì vậy, việc có các điều chỉnh chạy theo diễn biến đồng Nhân dân tệ có thể làm tăng độ bất định đối với điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá. Trước bối cảnh ấy, các nhà đầu tư cũng phản ứng quá mức và các tài sản USD được coi là có độ an toàn cao nhất; điều này càng gây thêm áp lực mất giá đối với VND.

“Điều chỉnh tỷ giá không phải lúc nào cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam”, ông Dương khẳng định thêm.

Tin mới lên