Ngân hàng

Giải ngân hơn 5.800 tỷ đồng cho vay thí điểm nông nghiệp

(VNF) - Sau hơn một năm triển khai chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp, tổng số vốn giải ngân đã đạt hơn 5.800 tỷ đồng.

Giải ngân hơn 5.800 tỷ đồng cho vay thí điểm nông nghiệp

Thực hiện nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ về việc triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết 1050/QĐ-NHNN.

Chương trình cho vay được thực hiện với nhiều cơ chế đặc thù như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1% - 1,5% (ngắn hạn 6,5%, trung hạn 9,5%, dài hạn 10%). Một số dự án có lãi suất thấp hơn ở mức 5,4% - 6,3%. Mức vay lên đến 90% giá trị phương án, dự án vay vốn.

NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và công nghệ lựa chọn 31 dự án của 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm. Tám ngân hàng thương mại (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Quốc dân, Ngân hàng TMCP Sài Gòn) được phê duyệt tham gia và cam kết tài trợ tín dụng cho cho các doanh nghiệp hơn 5.627 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền cam kết cho vay đối với 13 dự án chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu là 4.323,8 tỷ đồng, 15 dự án chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp là 1.224,34 tỷ đồng; 3 dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là 80 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là chương trình thí điểm là 2 năm.

Phát biểu tai Hội thảo "Vai trò của ngân hàng và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp - nông thôn" ngày 18/12, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 11/2015, tổng số tiền đã giải ngân theo chương trình đạt hơn 5.850,51 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.921,13 tỷ đồng.

Thông qua chương trình cho vay thí điểm, các doanh nghiệp đầu mối đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Các chuỗi liên kể giữa doanh nghiệp và nông dân đã hình thành những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao như VietGAP, GlobalGAP, giá thành sản phẩm giảm giúp tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài.

Cũng thông qua chương trình, nhiều địa phương đã bước đầu hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao như mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang; mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An tỉnh An Giang; mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm công ty Hùng Cá tỉnh Đồng Tháp; mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trường Hoàng tỉnh Lâm Đồng.

Đánh giá về chương trình cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp sau hơn một năm thực hiện, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng chương trình đã đi đúng hướng, chọn đúng đối tượng, xác định các lĩnh vực cho vay hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đón nhận thời cơ mới trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giảm chi phí, sản xuất hiệu quả, khả năng thu lãi cao, tăng khả năng trả nợ ngân hàng, từ đó giảm dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần khẩn trương phối hợp, triển khai chương trình từ thí điểm sang đại trà trước bối cảnh hội nhập ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Chương trình cần triển khai rộng rãi để đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đang ngày càng tiến gần, ông Kiêm nhận định.

 

 

 

 

 

 

Tin mới lên