Bất động sản

Giao dịch khách sạn nửa đầu năm 2017: Không một tiếng vang

(VNF) – Theo báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), tính đến hết quý II/2017, thị trường khách sạn tại Hà Nội và TP. HCM không ghi nhận bất cứ giao dịch nào. Điều này tương phản với tình hình mua bán khá sôi động của cùng kì năm trước.

Giao dịch khách sạn nửa đầu năm 2017: Không một tiếng vang

InterContinental Landmark 72 - nguồn cung khách sạn mới nhất trên thị trường Hà Nội

Hà Nội xếp thứ 5 châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ lấp đầy khách sạn

Điểm sáng hiếm hoi của thị trường khách sạn Việt Nam trong báo cáo "Thị trường khách sạn trọng điểm châu Á - Thái Bình Dương" vừa được JLL công bố hôm 25/10, đến từ xếp hạng về tỷ lệ lấp đầy của Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội hiện đang xếp thứ 5 toàn châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ lấp đầy khách sạn (84,9%) – chỉ sau Sydney (89,4%), Macau (87,2%), Auckland (87%) và Melbourne (85,6%).

Trong khu vực Đông Nam Á, Hà Nội xếp trên Singapore (83,7%) và bỏ xa các thành phố như Băng Cốc (75,9%), Bali (72,7%), Manila (67,5%), Kuala Lumpur (66%), Jakatar (52,6%)…

Tuy vậy, xét về lượng khách quốc tế, tỷ lệ trung bình hàng ngày (ADR), lợi nhuận trên mỗi phòng (RevPAR) thì Hà Nội lại khá khiêm tốn với các con số lần lượt là: 2,7 triệu lượt khách, 112 USD và 95 USD – kém xa các thành phố lớn khác.

Thị trường khách sạn TP. HCM cũng không tỏ ra nổi bật với tỷ lệ lấp đầy trung bình chỉ là 74,1% (mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương), tỷ lệ trung bình hàng ngày đạt 110 USD và doanh thu trên mỗi phòng chỉ là 82 USD.

Điều đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2017, thị trường khách sạn tại Hà Nôi và TP. HCM không ghi nhận bất cứ giao dịch nào. Điều này trái ngược hoàn toàn với tình hình giao dịch khá nhộn nhịp cùng kì năm 2016 khi Việt Nam xếp thứ 4 toàn châu Á - Thái Bình Dương với tổng giá trị là 236,4 triệu USD (số liệu của JLL).

3 năm tới có gần 15.000 phòng khách sạn đổ bộ thị trường

Hồi tháng 7, JLL đã công bố "Báo cáo Việt Nam – Điểm sáng cho ngành dịch vụ và lưu trú", trình bày tương đối cặn kẽ về tình hình khách sạn và dự báo nguồn cung tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Theo đó, trong 3 năm tới (2017 -2020), thị trường khách sạn TP. HCM sẽ đón nhận 3.150 phòng khách sạn mới từ 11 dự án. Trong đó, phân khúc sang trọng chiếm 1.250 căn, cao cấp 1.212 và trung cấp 688 căn.

Trong năm 2017, chỉ có 1 dự án mới gia nhập thị trường là Ascott Waterfront Saigon thuộc phân khúc cao cấp với 217 phòng.

Tại Hà Nội, trong 3 năm tới sẽ có 3.075 phòng gia nhập thị trường từ 13 dự án. Trong đó phân khúc sang trọng có 400 phòng, luxury 359 phòng, cao cấp 1.351 phòng, trung cấp 965 phòng.

Năm 2017 có 4 dự án ra mắt gồm: Novotel Ciputra Hanoi (trung cấp - 250 phòng), Mercure Hanoi (cao cấp – 100 phòng), Novotel Hanoi Thai Ha (trung cấp – 345 phòng), Somerset West Point Hanoi (cao cấp – 247 phòng).

Tại Đà Nẵng, 3 năm tới sẽ có thêm 1.786 phòng từ 7 dự án. Đáng chú ý, toàn bộ nguồn cung này đều là cao cấp, riêng có dự án CocoBay Project thuộc phân khúc trung cấp nhưng chưa xác định chính xác số phòng.

Các dự án trong năm 2017 tại Đà Nẵng là: Hilton Danang (cao cấp – 226 phòng), Sheraton Danang (cao cấp – 250 phòng) và CocoBay Project.

Tại Nha Trang, 3 năm tới có thêm 3.503 phòng từ 9 dự án. Trong đó, cao cấp có 3.369 phòng, sang trọng có 134 phòng. Dự án gia nhập thị trường trong năm 2017 chỉ có Eastin Duyen Ha Resort (cao cấp – 651 phòng).

Tại Phú Quốc, 3 năm tới sẽ có 3.311 phòng từ 16 dự án, trong đó sang trọng có 822 phòng, cao cấp có 2.033 phòng , trung cấp có 459 phòng.

Các dự án ra mắt năm 2017 gồm: Novotel Phu Quoc Resort (cao cấp – 366 phòng), JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa (sang trọng – 243 phòng), Sol Beach House Phu Quoc (cao cấp – 284 phòng), Movenpick Phu Quoc (cao cấp - 300 phòng), Crowne Plaza Phu Quoc Starbay (cao cấp – 300 phòng).

Tổng cộng lại, nguồn cung khách sạn 3 năm tới tại các thành phố lớn là 14.825 phòng. Trong đó cao cấp có 9.751 phòng, sang trọng có 2.606 phòng, trung cấp có 459 phòng.

Tin mới lên