Tiêu điểm

Góc nhìn VNF: Chữ 'mong' của ông Trịnh Văn Quyết, chữ 'hy vọng' của ông Vũ Tiến Lộc

(VNF) - Góc nhìn của VietnamFinance về Ngày doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng điều kiện kinh doanh từng phút, từng giờ.

Góc nhìn VNF: Chữ 'mong' của ông Trịnh Văn Quyết, chữ 'hy vọng' của ông Vũ Tiến Lộc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong một hội nghị đối thoại doanh nghiệp gần đây. Ảnh tư liệu

Để có một ngày được xã hội tôn vinh là niềm vui cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Nhưng doanh nhân thì không chỉ cần tôn vinh bằng lễ lạt mà họ đang cần những hỗ trợ thực chất từ nhà nước và cộng đồng, mỗi ngày...

Hai ngày trước Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, trên facebook cá nhân, tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã có mấy dòng thành thật về chuyện làm ăn, khi ông "tấn công" trực diện vào vấn đề điều kiện kinh doanh.

Tỷ phú cho biết chỉ riêng dự án FLC Sầm Sơn đã cần hàng chục giấy phép con. Chưa nói đến việc không ít trong số đó liệu có thực sự hợp lý và cần thiết, chỉ riêng khối lượng công sức và quỹ thời gian có thể lên tới hàng năm trời để hoàn thành bằng đó thủ tục hành chính, chắc chắn đã đủ sức làm nản lòng cả doanh nghiệp và địa phương đón nhận dự án.

"Trong kinh doanh, thời gian cũng chính là vốn và cơ hội. Điều còn đúng trong năm ngoái, không chắc năm nay còn đúng nữa. Với không ít trường hợp, "vượt rào" trở thành một lựa chọn cực chẳng đã trước những hàng rào tầng tầng lớp lớp, khi mà phía sau mỗi doanh nghiệp và địa phương còn là số phận hàng nghìn người lao động và những người thân của họ", ông viết.

Chính vì vậy mà trước những động thái cắt bỏ giấy phép con quyết liệt gần đây của Thủ tướng và Chính phủ, như nhiều doanh nhân khác, cá nhân ông rất vui mừng và hy vọng. "Mong sao môi trường kinh doanh của chúng ta sẽ ngày càng bớt đi nỗi ám ảnh về những hàng rào được áp đặt bất hợp lý mà muốn đi qua, đôi khi các doanh nghiệp chỉ còn cách ‘vượt’", ông nhấn mạnh.


Tỷ phú Trịnh Văn Quyết

Sự trải lòng của một trong những doanh nhân đã và đang cùng lúc triển khai nhiều dự án xây dựng quan trọng trên cả nước cho thấy, tầng tầng lớp lớp điều kiện kinh doanh đã và đang cản bước các doanh nhân Việt Nam. Họ buộc phải đứng trước lựa chọn giữa việc "vượt rào" hoặc chua xót để các cơ hội vuột mất. Vượt rào thì có thể được việc nhưng cũng đồng thời tự đặt mình vào rủi ro; bỏ lỡ cơ hội thì nhiều khi sẽ phải hối tiếc mãi...

Chuyện chữ "mong" không riêng gì của ông Trịnh Văn Quyết!

Đó đây trên khắp dải đất Việt Nam này, các doanh nhân, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, dù doanh số tỷ USD hay đơn giản chỉ là những quán cà phê Xin Chào doanh số vài chục triệu mỗi tháng, đã và đang phải đứng trước lựa chọn tương tự. Hơn 4.000 điều kiện kinh doanh, dù trải qua nhiều đợt cắt giảm, vẫn là gánh nặng quá lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Giấy phép con như con mãng xà trăm đầu, chặt đầu này lại mọc đầu kia.

Không ở vị trí người phải lựa chọn trực tiếp như ông Trịnh Văn Quyết, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI là người chứng kiến toàn bộ các diễn biến của môi trường kinh doanh vài thập kỷ qua, và điều ông nhìn thấy rõ nhất chính là câu chuyện điều kiện kinh doanh đã và đang đè nặng lên khát vọng, tiềm năng kinh doanh của người Việt như thế nào.

Ông Lộc, người đang ở nhiệm kỳ thứ ba "ghế" Chủ tịch VCCI, nói Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 trở thành một trong 3 nền kinh tế có thể chế cạnh tranh nhất khu vực ASEAN. Để đạt mục tiêu này, "chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là cắt giảm các giấy phép con rườm rà, rắc rối , phi lý. Đó là yêu cầu để đạt chuẩn của ASEAN".

Chặng đường cải cách phía trước vẫn còn rất chông gai. Nhưng theo Chủ tịch VCCI, "đây không phải là sự lựa chọn muốn hay không muốn mà đó là con đường tất yếu phải làm". Dẫu vậy, dẫn câu chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh ở Bộ Công Thương mới đây, ông Lộc cũng chỉ dám dùng chữ "hy vọng".


Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

"Với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành hiện nay, tôi tin rằng mục tiêu giảm được 30-50% điều kiện kinh doanh là hoàn toàn khả thi... Vừa qua, Bộ Công thương đã chủ động đề xuất cắt bỏ tới 675 điều kiện kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh hành động quyết liệt này của Bộ trưởng Bộ Công thương. Hy vọng các đề án cụ thể để thực hiện hoá việc cắt giảm này sẽ được thực hiện ráo riết", ông nói.

Chữ "mong" của doanh nhân trực tiếp trần thân giữa thương trường, chữ "hy vọng" của người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp có trở thành chữ "hành động" của Chính phủ một cách quyết liệt và thực chất? Đó có lẽ là món quà to lớn nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này của nền kinh tế. Hơn cả mọi giải thưởng, hơn cả mọi tôn vinh...

Như ông Vũ Tiến Lộc từng nói: "Doanhnhân không chỉ cần hoa hồng mà cần bánh mì. Bánh mỳ của doanh nhân là gì? Là phải cởi trói, là phải giảm phí!". Khơi thông được những rào cản, những đóng góp của doanh nhân sẽ ngày càng lớn lao và ý nghĩa hơn nhiều!

Tin mới lên