Tiêu điểm

Góc nhìn VNF: Cổ tức BIDV, Vietinbank và sân bay Nội Bài 2

(VNF) - VietnamFinance ghép nối các sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần để thấy được nhu cầu về một nền tài chính công lành mạnh và hiệu quả là một đòi hỏi tất yếu của phát triển.

Góc nhìn VNF: Cổ tức BIDV, Vietinbank và sân bay Nội Bài 2

Như rất nhiều khách hàng khác đang sử dụng dịch vụ hàng không, những cổ đông của Ngân hàng BIDV và Vietinbank đi công tác qua nẻo sân bay Nội Bài cũng có cảm giác sân bay quá chật và hạ tầng hỗ trợ vẫn quá thiếu, cho dù Nhà ga T2 mới đã đi vào hoạt động một năm rưỡi trước đó.

Nhưng họ có những lý do khác để băn khoăn hơn chuyện hạ tầng hàng không: năm nay, cổ đông BIDV sẽ chỉ nhận được 8,5% cổ tức bằng tiền mặt, trong khi ở Vietinbank là con số không tròn trĩnh. Và họ sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi mới đây, kế hoạch đầu tư sân bay Nội Bài 2 đã được khởi động…

Diễn biến kinh tế đáng chú nhất trong tuần này có lẽ là việc ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước. 

Động thái này được tiến hành khi trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 diễn ra hồi tháng 4 năm nay, cả hai ngân hàng này đều cam kết sẽ trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ dưới 10%. Tuy nhiên, đến kỳ đại hội năm 2016, ngân hàng lại thay đổi phương án. BIDV cho biết sẽ trả cổ tức theo tỷ lệ 8,5% còn Vietinbank thậm chí còn không chia cổ tức.

Bộ Tài chính không quản lý trực tiếp phần vốn Nhà nước tại các ngân hàng này cho dù tỷ lệ vốn nhà nước vẫn khá lớn, tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại đang chịu áp lực rất lớn từ việc, nếu phần cổ tức của Nhà nước không được hiện thực hóa bằng tiền mặt, kế hoạch ngân sách của Bộ này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Không chỉ các ngân hàng, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khác cũng đang phải nộp cổ tức về nhà nước thay vì để lại chia cho cổ đông hoặc tái đầu tư.

Lo lắng càng tăng lên khi mà theo thống kê, bội chi 5 tháng đã tăng lên 66.400 tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách phải chi trả nợ và viện trợ khoảng 55.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách 5 tháng đạt 346.200 tỷ đồng, bằng 34% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 284.200 tỷ đồng, thu từ dầu thô 13.900 tỷ đồng, từ xuất - nhập khẩu đạt 47.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng chi đạt 412.600 tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm. Ngân sách chỉ có thể dành 64.300 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, trong khi chi cho kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính hết 293.400 tỷ đồng. Do nợ công tăng cao khiến nghĩa vụ trả nợ cũng đè nặng và ngân sách đã phải chi tới 55.000 tỷ đồng để trả nợ và viện trợ.

Nhìn xa hơn, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần 65%.

Trong khi ngân sách đang đặc biệt khó khăn, một kế hoạch đầu tư hoành tráng nhằm "nhân đôi" sân bay Nội Bài đã được khởi động nhằm tránh tình trạng "vỡ trận" đã nhìn thấy trước từ sự tăng trưởng nóng của ngành hàng không.

Theo lý giải của ngành hàng không, trước sự phát triển "nóng" hiện nay, sân bay Nội Bài cũng được dự báo sẽ rơi vào tình trạng quá tải trong vòng ba năm tới, tương tự như tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất bây giờ.

Theo tính toán, chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2015). Chi phí xây dựng các hạng mục chính của "Nội Bài 2" (đường lăn, sân đỗ, khu nhà ga, đèn chiếu sáng…) khoảng 78.000 tỷ đồng và sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Vấn là lấy đâu ra tiền, ngay khi một siêu dự án khác đã được thông qua chủ trương đầu tư nhưng đang có dấu hiệu chững lại là sân bay Long Thành. Lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam trấn an rằng phần lớn chi phí này sẽ được huy động từ xã hội hóa. Tuy nhiên, ngay cả khi xã hội hóa thì vẫn cần một lượng ngân sách đáng kể để "đối ứng", nhất là khi vốn xã hội hóa không thể "vào" được những hạng mục không hiệu quả về tài chính và vẫn cần vốn Nhà nước.

Lo lắng càng có cơ sở hơn khi mà nguồn thu của Việt Nam từ các lĩnh vực thế mạnh trước đây đang giảm, đặc biệt là dầu thô. Năm 2015 chứng kiến sự lao dốc của giá dầu thô thế giới, giảm mạnh từ 100 USD xuống 56,2 USD mỗi thùng, khiến phần đóng góp của ngành này chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu.

Theo đó, tổng thu từ dầu thô năm 2014 là 107.000 tỷ đồng đã giảm còn 66.000 tỷ đồng trong năm 2015, chỉ bằng khoảng 67% so với dự toán. May mắn là trong năm 2015, ngân sách đã được "tiếp sức" bằng đóng góp từ một số doanh nghiệp lớn, trong đó có lĩnh vực viễn thông và ngân hàng.

Theo bảng xếp hạng V1.000 năm 2015 - 1.000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp Tạp chí Thuế (Tổng cục Thuế) tổ chức, tổng số tiền thuế mà các doanh nghiệp đã nộp trong 2014 đạt 80.000 tỷ đồng. Riêng top 100 doanh nghiệp đóng góp khoảng hơn 50.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là trong số này, Viettel là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về số đóng góp ngân sách Nhà nước. Theo đó, năm 2014, Viettel đóng góp tới 15.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng số thuế thu được từ 100 doanh nghiệp đứng đầu. Đến 2015, số tiền mà Viettel tiếp đóng ngân sách đạt mức 37.300 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD), gấp 2,5 lần so với năm trước đó.

Viettel là một ví dụ tốt cho thấy, nếu có môi trường tốt để mọi doanh nghiệp cùng nhau vươn lên, vấn đề ngân sách có thể được giải quyết từ gốc. Ngoài Viettel, một số doanh nghiệp khác có đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước trong năm 2015 như Mobifone 6.900 tỷ đồng, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) khoảng 4.300 tỷ đồng. Ngành ngân hàng có một số cái tên nổi bật như Vietcombank là 2.200 tỷ đồng, BIDV gần 2.000 tỷ đồng...

Theo báo cáo kinh tế thường niên 2016 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố, nguồn thu ngân sách sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sức khỏe của nền kinh tế trong nước cũng như đóng góp thuế từ các doanh nghiệp lớn. Hơn bao giờ hết, nền kinh tế đang cần sự ổn định nội tại để các doanh nghiệp yên tâm làm ăn, từ đó nuôi dưỡng nguồn ngân sách vốn đang ngày càng khó khan. Mặt khác, Chính phủ cũng cần "mạnh tay" với những khoản chi lãng phí, bất hợp lý, từng bước lành mạnh hóa nền tài chính công vốn đang "ốm yếu".

Trở lại với câu chuyện cổ tức ngân hàng, có thể thấy việc cố gắng "điều tiết" về ngân sách là chuyện chẳng đặng đừng. Tuy nhiên, cần thấy được là dòng tiền thì có hạn mà nhu cầu đầu tư, chi tiêu thì vô hạn. Vấn đề là điều hành ra sao để dòng tiền đi được đến đúng chỗ cần đến, mang lại hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế.

Các cổ đông, bất kể Nhà nước hay tư nhân, dĩ nhiên mong muốn cổ tức "rủng rỉnh" và cũng mong được nhìn thấy những sân bay hoành tráng, tấp nập, trong một nền kinh tế được tổ chức một cách hiện đại, minh bạch và hiệu quả, tạo "đường băng" cho các kế hoạch đầu tư làm ăn, kinh doanh được "cất cánh" một cách thuận lợi nhất.

Tin mới lên