Tài chính

Góc nhìn VNF: Gập ghềnh chứng khoán tháng 4

(VNF) - Có thể Vn-Index sẽ mất ngưỡng hỗ trợ 550 điểm, khi đó sẽ có nhiều gập ghềnh phía trước cho chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 này.

Góc nhìn VNF: Gập ghềnh chứng khoán tháng 4

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 sẽ chịu nhiều tác động từ chính sách vĩ mô, giá dầu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong ba tháng đầu năm.

Thiếu lực đẩy vĩ mô

Tại buổi họp báo do Tổng cục thống kê tổ chức, GDP quý I/2016 tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước, chững lại so với mức tăng 6,12% năm 2015  và 5,9% của năm 2011. Mức tăng này chỉ cao hơn các năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015.

Quý I/2016 là quý khởi đầu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2021, vì thế việc GDP quý I tăng trưởng thấp tác động không nhỏ tới kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7% năm nay và có thể tác động đến các năm tiếp theo.

Nguyên nhân sụt giảm được lý giải do bối cảnh thế giới năm 2016 còn nhiều khó khăn, diễn biến tài chính tiền tệ và giá dầu khó lường tác động mạnh tới các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ, làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong quý I này.

Diễn biến tăng giá dầu thô thế giới trong quý I đã tạo lực đẩy cho Vn-Index từ các mã ngành dầu khí niêm yết trên sàn. 

Tuy nhiên, thông tin tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ tổ chức cuộc họp vào giữa tháng 4 này để đóng băng sản lượng đã được giới đầu tư biết từ lâu và phần nhiều phản ánh vào giá dầu thô cũng như thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam trong thời gian qua.

Hi vọng vào việc tăng giá dầu trong tháng 4 khó xảy ra hơn cùng với việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất đồng USD trong một cuộc họp dự kiến được tổ chức vào tháng 4 này sẽ tác động không nhỏ, khiến Vn-Index nhiều khả năng vào xu hướng giảm giá hơn.

Bên cạnh đó, việc thông tư 07/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2016 nhằm sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của công ty  chứng khoán, cũng đã và đang tác động trực tiếp tới dòng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán ở thời điểm này.

Điều 43 của Thông tư 07 quy định công ty chứng khoán không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba.

Trong khi đó, theo thống kê, hoạt động cho vay margin đúng chuẩn do các công ty chứng khoán cung cấp hiện chiếm 80% tổng margin trên toàn thị trường, phần cho vay theo hình thức hợp đồng ba bên chiếm 20%. 

Như vậy, lượng tiền tham gia thị trường trong tháng 4 nhiều khả năng sẽ giảm đi 20%, sẽ khiến hoạt động cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán sụt giảm, tác động nhiều tới các cổ phiếu dẫn dắt Vn-Index.

Trong tháng 4, khi mà Chính phủ mới bắt đầu điều hành nền kinh tế, các chính sách vĩ mô mới khó thực hiện ngay trong tháng này, cùng với các thông tin như nới room khối ngoại, lãi suất, vốn ODA tràn ngập và đã phán ánh hết vào giá trong tháng 3, theo chúng tôi, rất khó để Vn-Index có thể vượt qua ngưỡng cản 580 điểm.

Động thái không rõ ràng từ khối ngoại, cổ phiếu nhỏ dễ tạo sóng

Quý I/2016 khép lại với việc Vn-Index nhiều lần không thể vượt qua ngưỡng cản 580 điểm, kết thúc còn 561.2 điểm phiên giao dịch ngày 31/3/2016.

Quan sát toàn giao dịch trong thời gian đầu năm đến nay, điều dễ dàng nhận thấy là động thái mua bán không rõ ràng từ khối ngoại.

Những tưởng động thái nới room cho khối ngoại cùng với giá dầu thô tăng trở lại sẽ thu hút được dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài, song điều đó đã không xảy ra khi giao dịch mua bán trở nên cân bằng và có xu hướng bán ròng nhiều hơn, hoàn toàn trái ngược so với cùng kỳ mọi năm.

Có thể đây là thời điểm chuyển giao bộ máy lãnh đạo cấp cao của Nhà nước nên dòng tiền từ khối ngoại đang chờ đợi những thay đổi vĩ mô tích cực hơn hoặc chí ít là vẫn giữ được sự ổn định cho đến hết năm 2016.

Chưa kể, động thái giá vàng trong nước và thế giới đang tăng, dòng tiền có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư này thì việc khối ngoại chưa mặn mà với chứng khoán Việt Nam, sẽ rất khó để các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào những cổ phiếu dẫn dắt Vn-Index như cổ phiếu của ngành ngân hàng, dầu khí hay bất động sản....

Trong xu hướng giảm điểm của Vn-Index hiện nay, nhà đầu tư dễ dàng chấp nhận việc mạo hiểm vào những công ty có vốn hóa nhỏ (penny), số lượng cổ phiếu giao dịch vừa phải…hoặc giao dịch trên sàn Upcom để kiếm lợi nhuận cao. 

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, khi mà lực đẩy từ vĩ mô không còn, trong tháng 4 dòng tiền dễ đổ vào các cổ phiếu penny, khoáng sản hoặc một số cổ phiếu penny dòng dầu khí và do đó khả năng rất cao thị trường tháng 4 sẽ được dẫn dắt bởi những cổ phiếu này.

Kịch bản nhiều người trông đợi nhất là có thêm nhiều thông tin hỗ trợ vĩ mô khi Chính phủ mới điều hành nền kinh tế, giá dầu tăng mạnh khi cuộc họp của OPEC và Nga đạt được thỏa thuận, FED duy trì lãi suất…., lúc đó Vn-Index có nhiều cơ hội vượt ngưỡng 580 điểm và vượt lên vùng 600-610 điểm.

Ở một kịch bản khác, khi mà diễn biến thị trường như chúng tôi đã phân tích, có thể Vn-Index sẽ mất ngưỡng hỗ trợ 550 điểm, khi đó sẽ có nhiều gập ghềnh phía trước cho chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 này. 

Tin mới lên