Diễn đàn VNF

Góc nhìn VNF: Gian lận điểm ở Hà Giang và công nghệ VAR cho giáo dục

(VNF) - World Cup khép lại cũng là lúc vụ gian lận điểm ở Hà Giang bị phát hiện. Có điểm gì chung giữa hai sự kiện này? Điểm chung chính là đây đều là những “cuộc thi” đòi hỏi sự công bằng, nghiêm túc…

Góc nhìn VNF: Gian lận điểm ở Hà Giang và công nghệ VAR cho giáo dục

Ảnh minh họa

Từ kỳ thi tai tiếng

Ngày 17/7, sau 4 ngày rà soát, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả thẩm định điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang. Theo đó, có tới 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm.

Một con số kinh hoàng!

Gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục có thể nói là một câu chuyện “xưa như trái đất” tại Việt Nam. 12 năm đã trôi qua kể từ ngày ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát động cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích”, những nỗ lực chống gian lận, chống bệnh thành tích của ngành giáo dục hầu như không đạt được sự tiến bộ đáng kể nào, nếu không muốn nói là còn trầm trọng hơn.

12 năm qua, ngành giáo dục vẫn cứ loay hoay với những cải cách của riêng mình, vẫn mải mê với những thử nghiệm và vẫn đau đầu với các vấn nạn học đường.

12 năm và một “quả bom sự thật” – Hà Giang. Người ta nói đây là “một bài học đau xót” nhưng hình như năm nào ngành giáo dục cũng ôn bài một lần. Sợi dây kinh nghiệm cứ như dài vô tận, rút hoài không hết.

Một điều đáng lưu ý là đến giờ phút này, lực lượng chức năng mới chỉ tìm ra thủ phạm duy nhất của vụ việc trên là ông Vũ Trọng Lương (Phó trưởng Phòng Khảo thí). Ông Lương gây kinh ngạc cho các điều tra viên khi chỉ mất 2 giờ để mở khóa niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án chuẩn.

Trong khi đó, một đại diện A83 - Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết “chúng tôi phải làm việc từ 8 giờ tối đến 1 giờ sáng với nguồn lực gần 10 con người thì mới có thể rút bài ra kiểm tra và xác định, đối sánh xem có sự sửa đổi không”.

Tốc độ sửa bài quá nhanh của ông Lương và việc ông dễ dàng thực hiện hành vi của mình khiến đại diện A83 nhận định: “Chúng tôi thấy nếu chỉ thực hiện một mình thì có lẽ rất khó đối với anh Lương”.

Việc có hay không một đường dây gian lận điểm thi tại Hà Giang thiết tưởng là một vấn đề cần được xem xét hết sức nghiêm túc. Bởi nếu tồn tại một đường dây như vậy, chuyện điểm thi ở Hà Giang không còn đơn thuần là gian lận nữa!

Chờ một công nghệ VAR cho giáo dục

Mùa World Cup năm nay, FIFA lần đầu tiên đã áp dụng công nghệ VAR (Video Assistant Referee – hỗ trợ trọng tài bằng video). Với công nghệ này, các trọng tài sẽ giảm thiểu được tối đa các sai sót trong điều hành trận thi đấu bóng đá, đặc biệt là với các lỗi nhạy cảm như thẻ đỏ, penalty…

Ngành giáo dục có lẽ đã đến lúc cần một “công nghệ VAR” cho mình để minh bạch hóa mọi chuyện, từ ra đề, trông thi, chấm bài, công bố kết quả, xét tuyển, học tập, cấp bằng…

Sự tiến bộ của ngành giáo dục nhất thiết phải dựa trên nền tảng của công khai, minh bạch. Bởi một ngành khai sáng trí tuệ cho con người dứt khoát không thể phát triển trong bóng tối. Một ngành tạo lập nhân cách dứt khoát không thể tồn tại trong dối lừa.

Bao năm qua, ngành giáo dục đã đầu tư cho khâu tiền kiểm, giờ đã đến lúc siết chặt khâu hậu kiểm, bởi Hà Giang có thể không phải là trường hợp duy nhất của năm nay cũng như không chắc là trường hợp cuối cùng của tương lai. Hà Giang, rất có thể, chỉ là sự khởi đầu.

Với công nghệ VAR, World Cup đã ghi nhận việc các cầu thủ bớt nằm sân ăn vạ, bớt chơi tiểu xảo, đồng thời các trọng tài cũng đã được hỗ trợ để làm tốt hơn công việc của mình, tránh đi các tình huống gây tranh cãi.

Chúng ta sẽ cần những “công nghệ VAR” cho ngành giáo dục. Và không chỉ với giáo dục, chúng ta cũng cần những “công nghệ VAR” khác cho mọi lĩnh vực đời sống, từ chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế… Đó là gì nếu không phải là những cơ chế giám sát và phản biện hiệu quả để giúp minh bạch hóa mọi hoạt động của đời sống, hướng tới mục tiêu nước mạnh dân giàu.

Sách Đại Nam thực lục chép rằng tháng 8 năm Tân Sửu (tức năm 1841), Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, vì thương sĩ tử có bài thi hay mà lỡ phạm húy nên đã hòa muội đèn chữa lại. Việc bị phát giác, Cao Bá Quát bị khép vào tử tội. Về sau, vua xét lại, giảm án cho Cao Bá Quát từ tử hình xuống “giảo giam hậu”. Họ Cao sau đó phải đi phục dịch để chuộc tội của mình.

Đọc tích xưa nói chuyện nay, khó ai có thể tin rằng sau 200 năm, nước Việt lại xuất hiện một Cao Bá Quát thứ hai, chữa bài cho thí sinh vì “thương bài làm hay mà phạm húy”.

Lời vua Thiệu Trị khi nói về tội của Cao Bá Quát năm ấy: “chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác…” liệu có thể dùng để soi cho “tấm lòng trinh bạch” của các quan chức Hà Giang được chăng?

Tin mới lên