Tài chính

Góc nhìn VNF: Nhận đầu tư chiến lược từ Vingroup, Savina sẽ là VEFAC mới?

(VNF) - Bài học từ IPO VEFAC có thể sẽ hữu ích cho nhà đầu tư trong thương vụ IPO Savina giữa tuần này.

Góc nhìn VNF: Nhận đầu tư chiến lược từ Vingroup, Savina sẽ là VEFAC mới?

Gần ba tháng kể từ ngày đầu niêm yết trên sàn Chứng khoán UPCoM, Cồ phiếu VEF của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) gây choáng váng giới đầu tư  với mức tăng hơn 4.5 lần.  

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu này đạt 46.000 đồng  so với giá 10.100 đồng ở  phiên chào sàn ngày 22 tháng 12 năm 2015. Thành công này chắc chắn có phần đóng góp không nhỏ của Vingroup, cổ đông chiến lược nắm đến hơn 80% cổ phần của doanh nghiệp này.

Và với việc Vingroup trở thành nhà đầu tư chiến lược của Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina), nhà đầu tư có kỳ vọng vào một VEF mới?

Vì sao lại chọn Vingroup?

Ngày 03/03/2016, thứ trưởng Bộ Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch Huỳnh Vĩnh Ái ký Quyết định số 712/QĐ-BVHTTDL về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại Savina.

Theo đó, Tập đoàn Vingroup đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của  của Savina với 44.141.474 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ ban đầu. 

Việc lựa chọn Vingroup là nhà đầu tư chiến lược được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện theo quy định tại Công văn số 336/BVHTTDL-KHTC ngày 01/02/2016. Ngoài các yếu tố về vốn, tài sản , doanh thu, lợi nhuận, xếp hạng tín nhiệm … thì bắt buộc có thêm tiêu chí trên 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, văn hoá, giải trí, thương mại và đã từng thực hiện, quản lý tối thiểu một dự án tương tự trên 900 tỷ đồng.

Cũng vào tháng 3 năm ngoái, Bộ này đã lựa chọn Vingroup thành nhà đầu tư chiến lược của VEFAC theo tiêu chí trên. Như vậy, cùng một đơn vị chủ quản và cùng một tiêu chí là có kinh nghiệm triển khai, quản lý dự án quy mô lớn mà cụ thể là dự án bất động sản thì rất ít công ty tại Việt Nam có thể so được với Vingroup vào thời điểm này.

Bất động sản Savina có sánh được VEFAC?

Theo thông báo của Savina về việc tổ chức bán đấu giá gần 17 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), công ty này sẽ phát hành đấu giá 16.735.590 cổ phần  tương đương 24,64%  với giá khởi điểm là 10,500 đồng/cổ phần vào 8h30 ngày 24/03/2016 tại Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đều là "con đẻ" của của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với 100% vốn nhà nước, ngay từ khi ra đời, Savina và VEFAC đều được cho "ở riêng" trên những mảnh đất vàng. Nếu VEFAC có  68,320m2 tại148 Giảng Võ, 50m2 tại số 4 Tràng Thi thì Savina có 1.202m2 tại 22A, 2.203m2 tại 22B Hai Bà Trưng và hơn 712m2 tại 44 Tràng Tiền. 

Nếu VEFAC có các dự án trung tâm triển lãm trên tuyến Nhật Tân – Nội Bài, Mễ Trì – Từ Liêm thì Savina cũng có dự án ở  2 khu đất lần lượt 9,160 m2 và 27.3 m2 tại Đông Anh và 748m2 đất tại Dịch Vọng – Cầu Giấy. Tất cả đều được chuyển đổi  đúng mục đích sử dụng theo Luật đất đai sau khi IPO.

Xét về diện tích sử dụng và giá thành tại mỗi khu vực của hai công ty cổ phần này khá tương đồng. Điểm khác biệt chính là số tiền mà nhà đầu tư chiến lược cũng như các cổ đông bỏ ra để triển khai dự án của VEFAC lớn hơn khá nhiều so với các dự án của Savina.

Theo ước tính để có được khu đất vàng  tại 148 Giảng Võ, nhà đầu tư phải hoàn tất toàn bộ dự án Nhật Tân - Nội Bài và bàn giao lại cho VEFAC theo hình thức BT. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư phải "móc hầu bao" ngay bằng vốn của mình ít nhất 4.000 tỷ đồng để hoàn thiện dự án Nhật Tân - Nội Bài và "giao đứt" lại cho VEFAC khai thác sử dụng, trong đó Vingroup phải chi hơn 80%. 

Còn để có được những khu đất vàng của Savina, cần tiến hành đầu tư và phát triển dự án Trung tâm văn hóa và dịch vụ thương mại (Savina Plaza) tại số 22A-22B Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm với công năng là trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao cấp, siêu thị sách với tổng diện tích khu đất lập dự án là 4.600 m2, tổng mức đầu tư dự án là 902 tỷ đồng, Vingroup chỉ cần bỏ ra 586.3 tỷ đồng tương ứng 65% cổ phần.

Rõ ràng so về giá trị tài sản bất động sản thì cả hai đều là "kẻ tám lạng, người nửa cân" khác chăng chỉ là vốn điều lệ của VEFAC lớn gấp gần 2,5 lần so với Savina mà thôi. Trong khi mục tiêu lợi nhuận sau ba năm mà hai công ty đặt ra từ khoảng 60-70 tỷ đồng.

Sau IPO: Đợi ngày lên sàn, cổ phiếu Savina sẽ cất cánh?

Phiên IPO ảm đạm của VEFAC vào tháng 03/2015, với chỉ khoảng 3.8% cổ phần IPO giao dịch thành công, có lẽ là bài học cho những nhà đầu tư hôm đó nuối tiếc. 

Chín tháng sau ngày IPO, các thủ tục chuyển giao thành công, Tập đoàn Vingroup đã niêm yết cổ phiếu VEFAC trên sàn UPCoM và chuỗi ngày tăng giá của VEF đến nay có thể vẫn chưa dừng lại.

Có thể thành công từ VEFAC có thể sẽ khiến phiên IPO 24,64% cổ phần của công ty TNHH MTV Savina trở nên sôi động. Bởi nhìn vào những gì mà Savina đang có cùng với một cổ đông chiến lược hàng đầu, nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào những lợi ích từ những cổ phần mà Savina mang lại, nhất là khi nó được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Từ khoá: IPO VEFAC, IPO Savina, Vingroup, ,
Tin mới lên