Ngân hàng

Góc nhìn VNF: Soi cổ tức ngân hàng bèo bọt giữa mùa đại hội cổ đông

(VNF) - Câu chuyện chi trả cổ tức bèo bọt bao năm qua của ngành ngân hàng đã trở thành tâm điểm bàn luận của đông đảo giới đầu tư trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Góc nhìn VNF: Soi cổ tức ngân hàng bèo bọt giữa mùa đại hội cổ đông

Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sắp trôi qua, khi mà phần lớn các ngành nghề kinh doanh đều cho kết quả khả quan và trả cổ tức hấp dẫn thì ngành ngân hàng đang khiến đại đa số cổ đông "rầu lòng".

Cũng giống những năm trước, ngành ngân hàng luôn "dẫn đầu" về việc chia cổ tức èo uột, thậm chí có những Ngân hàng còn không thể chi trả cổ tức cho cổ đông.

Nhưng khi mà phần lớn các ngân hàng đã đại hội xong thì nỗi buồn lại được nhân lên cho cổ đông và bổn cũ lại được các ngân hàng soạn lại cho cổ đông của mình.

Khi cổ tức trở nên bèo bọt

Có mặt tại phiên ĐHĐCĐ thường niên Ngân hàng An Bình(ABBank) ngày 28/4, không khó để cảm nhận cảm giác hụt hẫng từ các cổ đông khi mà Hội đồng quản trị(HĐQT) đưa ra mức cổ tức 390 đồng/cổ phiếu, tương ứng 3,9%, không thể thể sánh bằng gửi tiết kiệm.

Nhiều cổ đông ABBank đã tỏ ra bức xúc khi mà "cổ tức năm nào cũng lẹt đẹt, trong khi chi phí và thù lao cho Hội đồng quản trị quá cao".

Giải đáp bức xúc trên, đại diện ABBank cho rằng, ngay chính trong Hội đồng quản trị có nhiều cổ đông lớn tham gia điều hành đều rất mong muốn cổ tức được chia từ 10% nhưng tình hình thị trường không cho phép, việc chia cổ tức cũng phải theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

Khá hơn một chút là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) khi tiến hành chia cổ tức cho cổ đông bằng 5% tiền mặt và 5% cổ phiếu thưởng/cổ phiếu phổ thông, nghĩa là mỗi cổ phiếu sẽ được trả 500 đồng tiền mặt.

Giới đầu tư bao năm qua đều coi việc chia cổ tức bằng cổ phiếu như một hình thức "lấy mỡ nó rán nó", tức là chỉ có tính chất "pha loãng" cổ phiếu mà thôi nên những doanh nghiệp chia cổ tức bằng loại hình này đã không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Thế nên cổ đông MBB còn may mắn hơn nhiều so với các cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi mà HĐQT ngân hàng này đã trình ĐHĐCĐ thường niên vào đầu tháng 4 vừa qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1 (cổ đông nắm giữ 10 cổ phần được chia thêm một cổ phần) để tăng vốn điều lệ.

Câu chuyện chia cổ tức cho nhà đầu tư của Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) còn khiến nhiều cổ đông bức xúc hơn nữa. 

Thay vì kế hoạch cổ tức năm 2015 tỷ lệ 9% như đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, HĐQT BIDV tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 đã giảm xuống mức 8.5% và chi trả bằng cổ phiếu, quyết định này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ rất nhiều cổ đông.

Nhưng có lẽ cổ đông của các ngân hàng này còn may mắn hơn cổ đông của Techcombank khi  mà đã năm thứ 4 liên tiếp ngân hàng này không tiến hàn chi trả cổ tức, lời giải thích HĐQT dành cho cổ đông là "những năm qua, ngân hàng tập trung vào tái cơ cấu, và nay chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững".

Trong khi đó, lý do Vietinbank không chi trả cổ tức được giải thích hợp tình hơn khi việc sáp nhập PGBank kéo dài đã khiến ngân hàng không thể chi trả cổ tức cho cổ đông theo quy định của pháp luật dù lãi lớn.

Có lẽ "hạnh phúc" nhất là những cổ đông Vietcombank khi mà ngân hàng này ngoài việc kinh doanh hiệu quả đã tiến hành thông qua nghị quyết chi trả 10% cổ tức/cổ phiếu bằng tiền mặt năm 2015, đây chính là ngân hàng chi trả cố tức bằng tiền mặt cao nhất tính đến thời điểm này trong nhiều năm qua.

Tăng quy mô vốn và tăng cao thù lao HĐQT

Ngành ngân hàng mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nợ xấu, vì thế tại mùa ĐHĐCĐ năm nay các ngân hàng đều lấy lý do này để trình ĐHĐCĐ thường niên việc tiến hành trích lập dự phòng rủi ro và tăng vốn điều lệ.

Từ các ngân hàng lớn đến các ngân hàng nhỏ hơn đều tiến hàng tăng vốn điều lệ bằng việc chia thưởng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cổ phiếu.

Việc tăng vốn ắt hẳn khiến nhiều cổ đông vui mừng nhưng câu chuyện có thể sẽ dừng lại ở đó nếu không có nghịch lý từ sự tăng cao thù lao cho HĐQT trong khi cổ đông lại nhận cổ tức bèo.

Phiên ĐHĐCĐ thường niên của Techcombank trở nên gay gắt khi cổ đông tiến hàng chất vấn lãnh đạo HĐQT về thù lao và cổ tức, khi mà theo các cổ đông, trong số 2.215 tỷ đồng lợi nhuận, lãnh đạo đã tự chia thù lao trong số lợi nhuận này, mỗi người tới 4 - 5 tỷ đồng (tổng thù lao năm 2015 của HĐQT là hơn 28 tỷ đồng) mà cổ đông – người chủ ngân hàng lại không được đồng cổ tức nào.

Cũng tương tự là trong phiên ĐHĐCĐ của ABBank khi tổng thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của ngân hàng là gần 8,3 tỷ đồng (trong đó Hội đồng quản trị là trên 5,5 tỷ và Ban kiểm soát là 2,7 tỷ đồng) năm 2015 và tăng mức thù lao lên 10 tỷ đồng vào năm 2016 này.

Hiện tượng tăng mức thù lao cho ban lãnh đạo diễn ra tại đại đa số các ngân hàng trong mùa đại hội này, nhất là ở các ngân hàng nhỏ.

Điều này ắt sẽ hoàn toàn bình thường nếu như quyền lợi cổ tức bằng tiền mặt của cổ đông được đảm bảo một mức sinh lợi tốt hơn gửi tiết kiệm hàng năm, nhưng đáng tiếc là nhiều ngân hàng đã không làm được điều đó.

Nhiều nhà đầu tư hi vọng, sau những gì diễn ra trong mùa đại hội thường niên năm nay, ở những mùa đại hội tiếp theo cổ đông ngành ngân hàng sẽ được chi trả cổ tức xứng đáng với những gì mà họ đã bỏ ra để đầu tư vào ngành này trong nhiều năm qua.

Tin mới lên