M&A

Grab mua lại Uber Đông Nam Á: Grab Việt Nam nói gì về vấn đề độc quyền?

(VNF) - Sau khi mua lại Uber Đông Nam Á, Grab đã trở thành ông chủ lớn duy nhất ở thị trường Đông Nam Á khiến nhiều đối tác của Grab lẫn Uber lo lắng… Không những thế, nhiều ý kiến cho rằng Grab sẽ đứng ở thế độc quyền giá cước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đại diện Grab Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này.

Grab mua lại Uber Đông Nam Á: Grab Việt Nam nói gì về vấn đề độc quyền?

Ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO Grab Việt Nam.

Cụ thể, CEO Grab Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Grab hiểu nỗi lo lắng của người tiêu dùng, song việc sáp nhập sẽ "tốt hơn" cho người tiêu dùng trong lâu dài.

"Bây giờ khách hàng có thể rất vui khi được khuyến mãi nhiều, nhưng một công ty không bao giờ có thể khuyến mãi suốt đời. Và khách hàng sẽ sốc khi không còn khuyến mãi nữa. Do đó, để công ty hoạt động có lời, phát triển bền vững, giá cả hợp lý, ổn định lâu dài… sẽ tốt hơn cho khách hàng", ông Tuấn Anh nói.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội – ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, khi Grab thâu tóm xong Uber, nguy cơ độc quyền càng hiện hữu hơn. Khi Grab gần như đã một mình một ngựa, có thể dễ dàng định đoạt giá cước, định đoạt tỷ lệ phần trăm triết khấu của đối tác và tài xế.

Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng do chịu giá cước nhảy múa. "Cùng đó, việc Grab mua Uber sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hàng chục nghìn lái xe Uber sẽ đi về đâu khi họ tham gia Grab phải chịu mức triết khấu cao hơn hiện nay", ông Hùng nói.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng sự xuất hiện của Uber, Grab thời gian qua là tiền đề cho các cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam. Ông hy vọng sự thâu tóm lần này về tay một ông lớn sẽ không làm giảm sức ép cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. "Nếu không, đó lại là một tín hiệu xấu, từ doanh nghiệp", ông nói.

Trong khi đó ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty Vinasun nhận định, thị trường khi chỉ còn mình Grab sẽ "càng nguy hiểm hơn", bởi lẽ doanh nghiệp này đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và với tiềm lực tài chính mạnh, cùng chiến lược "giá huỷ diệt", Grab đang tiến gần tới độc quyền trong thị trường đặt xe qua ứng dụng ở Việt Nam.

Liên quan đến thương vụ thâu tóm Uber của Grab, hôm 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber cũng như hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á trước ngày 3/4/2018.

Để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại nêu trên và hợp đồng mua lại Uber tại Đông Nam Á.

Theo quy định việc Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á thì doanh nghiệp này phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý cạnh tranh về vụ mua bán, để cơ quan chức năng xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán. Nếu không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể, hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.

Trong thực tế, Grab đã hoàn tất thương vụ mua lại Uber mà không báo cáo cơ quan chức năng.

Ngày 26/3, Uỷ ban quản lý cạnh tranh Singapore cũng yêu cầu Grab, Uber gửi báo cáo "làm rõ chi tiết" về thoả thuận mua lại giữa hai doanh nghiệp này. Đại diện Uỷ ban này cho hay cơ quan này có quyền xem xét bất kỳ thương vụ sáp nhập hoặc mua lại nào có ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng không một nhà đầu tư nào thống trị thị trường, gây thiệt hại cho người dân, tài xế. Trường hợp chúng tôi nhận thấy việc sáp nhập có thể dẫn tới việc suy giảm cạnh tranh trên thị trường thì sẽ đưa ra những biện pháp tạm thời ngăn ngừa", đại diện uỷ ban này cho biết.

Tin mới lên