Bất động sản

GS Đặng Hùng Võ: Bất động sản xanh tại Việt Nam mới chỉ là trào lưu

(VNF) – Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mâu thuẫn giữa chi phí trước mắt và lợi ích dài hạn là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến phát triển công trình xanh tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức trào lưu.

GS Đặng Hùng Võ: Bất động sản xanh tại Việt Nam mới chỉ là trào lưu

GS Đặng Hùng Võ

Tại tọa đàm "Bất động sản xanh: Trào lưu hay xu thế?" tổ chức sáng 20/9, GS Đặng Hùng Võ đã dẫn một trường hợp kinh điển về phát triển công trình xanh tại Singapore.

Theo đó, hồi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu còn tại vị, Singapore có mở một hội thảo rất lớn với chủ đề: làm thế nào để phát triển xanh cho Singapore. Hội thảo lấy tiêu chí "đưa công viên vào thành phố" tuy nhiên khi bế mạc, Thủ tướng Lý Quang Diệu lại kết luận ngược lại: Singapore phải "đưa thành phố vào công viên". Chính tư tưởng đó đã khiến công trình xanh được phát triển mạnh mẽ, trở thành một xu thế tất yếu tại Singapore và đưa Đảo quốc Sư tử trở nên xanh sạch như hiện nay.

"Tại Singapore, thậm chí đến nhà ở xã hội cũng phải tuân thủ tỷ lệ diện tích cây xanh trên mỗi tầng nhà", GS Đặng Hùng Võ nói.

Quay lại với trường hợp các nước phát triển, GS Võ nhận xét: "Ở các nước như Việt Nam, phát triển xanh chưa phải là một xu thế tất yếu mà mới chỉ dừng lại ở dạng một trào lưu".

Ngay cả với các khu đô thị nổi tiếng về độ xanh như Phú Mỹ Hưng hay Ecopark, GS Võ cũng cho rằng chủ đầu tư mới chỉ tạo ra hệ sinh thái cây xanh, chứ các vấn đề khác như sử dụng nước, tiết kiệm năng lượng và tái tạo năng lượng cũng như nhiều tiêu chí xanh khác thì vẫn chưa đáp ứng được.

Còn trên thực tế, tại TP. HCM và Hà Nội vẫn đang diễn ra tình trạng chủ đầu tư cố tình gia tăng số căn hộ vào dự án, cắt xén bớt các tiện ích (cây xanh, mặt nước…). Đáng nói, việc cắt xén này lại được các cơ quan quản lý chấp thuận.

"Nhà đầu tư gần như chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu diện tích ở để bán còn chỗ ở đạt được tiêu chí gì về phát triển xanh thì gần như không quan tâm. Trên thực tế cũng có ý tưởng tốt, nhưng khi triển khai trên thực tế thì cứ cắt xén dần. Thậm chí, việc cắt xén còn tạo ra một dự án bất động sản đi ngược với các tiêu chí xanh", GS Võ cho hay.

Mâu thuẫn chi phí – lợi ích và vai trò của nhà nước

Đánh giá về việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay, GS Võ nhận định mâu thuẫn giữa chi phí và lợi ích là nguyên nhân cơ bản cản trở xu hướng xanh hóa. Cụ thể, theo tính toán, chi phí để làm công trình xanh thường cao hơn vài phần trăm so với công trình thông thường. Dù lợi ích thu về lớn hơn chi phí bỏ ra, tuy nhiên, đó lại là lợi ích trong dài hạn. Mà đối với chu kì đầu tư bất động sản, các chủ đầu tư thường chú ý nhiều hơn đến lợi ích trước mắt.

"Ở các nước phát triển, sự trợ giúp cho các dự án bất động sản xanh là rất rõ ràng. Nhà đầu tư không phải chịu chi phí nhiều hơn khi tham gia vào phát triển bất động sản xanh, thậm chí còn được ưu đãi nhiều hơn các bất động sản thường. Vậy nên tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta phải vượt qua được những khó khăn về chi phí để giá thành sản phẩm bán ra không quá cao", GS Võ nói.

Cũng theo GS Võ, để vượt qua khó khăn này thì cần một giải pháp đồng bộ, từ chính sách của nhà nước đến thói quen của nhà thiết kế, nhà tư vấn, nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Cụ thể, GS Võ nêu ra 3 điểm giải pháp:

Thứ nhất, cần có thay đổi về phân tích chi phí lợi ích trên tầm nhìn dài hạn. "Cái phân tích này đối với nhà đầu tư chỉ trong chu kì đầu tư dư án thôi. Vậy thì cái phần sau chu kì dự án với cái lợi ích dài hạn kia thì trách nhiệm của nhà nước đến đâu? Khi đó, chúng ta cần có những chính sách giải quyết lợi ích cho một dự án đầu tư".

Thứ hai là câu chuyện luật pháp và chủ trương phát triển của nhà nước phải được thể hiện cụ thể, chứ không thể chấp nhận triết lý phát triển xanh ở một số sự kiện như "Ngày nước thế giới", "Ngày môi trường thế giới", xong đó rồi ai về nhà nấy. "Phải biến thành các chính sách cụ thể, phải thể hiện ở chính sách luật pháp, ở hướng dẫn thực thi luật pháp, ví dụ Việt Nam phải có một bộ quy chuẩn về bất động sản xanh", GS Võ nói.

Thứ ba, về phía các nhà đầu tư, GS Võ cho rằng chúng ta cần thay đổi tư duy, đừng chỉ tính tới lợi ích trước mắt là bán được bao nhiêu căn hộ. Người tiêu dùng cũng cần ý thức được yêu cầu về căn hộ tại dự án.

"Chúng ta - trong phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn với chiến lược phát triển được nhà nước phê duyệt, mang tính cố định và tạo mọi chính sách để chiến lược hay quá trình đô thị hóa phải theo triết lý xanh. Các cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy hướng theo đảm bảo các tiêu chí phát triển xanh, đừng cho cắt xén những thứ được duyệt, đừng chiều theo nhà đầu tư", GS Võ nhấn mạnh.

Tin mới lên