Diễn đàn VNF

GS Nguyễn Mại: 'Bốn trở lực lớn với kinh tế tư nhân'

Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP".

GS Nguyễn Mại: 'Bốn trở lực lớn với kinh tế tư nhân'

Vietjet đã và đang là một hình mẫu về phát triển kinh tế tư nhân.

Hiện nay 92% doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ, 5% là doanh nghiệp vừa nên chỉ đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước và 40% GDP. Kinh tế tư nhân còn bao gồm nhiều triệu hộ kinh doanh cá thể, những người hành nghề tự do trong xây dựng, dịch vụ sữa chữa nhà cửa, đồ dùng trong nhà, vận chuyển hàng hóa đã tạo ra tạo ra 86% việc làm.

Để tận dụng được cơ hội mới thì cần khắc phục bốn trở lực lớn mà kinh tế tư nhân đang phải đối đầu trong kinh doanh:

Thứ nhất là hệ thống luật pháp thiếu nhất quán và đồng bộ, công khai, minh bạch. Điển hình là sau khi Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì cuộc đấu tranh giữa các bộ, ngành về việc bỏ giấy phép con trở nên khá gay gắt, vẫn tiếp diễn tình trạng "lách luật" để duy trì quyền lực cấp phép trong một số ngành nghề. Hệ thống thuế vẫn chưa thay đổi theo hướng "khoan sức dân" để doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ có thể tích lũy vốn trong một thời gian nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai là tiếp cận tín dụng không dễ dàng đối với đại bộ phận kinh tế tư nhân. Chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn của ngân hàng thương mại; 70% số doanh nghiệp phải huy động vốn qua các kênh khác, bao gồm cả tín dụng lãi suất cao. Trong quá trình xây dựng Luật hỗ trợ DNVVN đã diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt về vai trò tín dụng đối với DNVVN, nhưng vẫn không tìm được giải pháp để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận dễ dàng vốn vay ngân hàng.

Thứ ba, chi phí kinh doanh cao so với một số nước trong khu vực. Tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động và chi phí bảo hiểm cao đã làm cho chi phí nhân công trong một đơn vị sản phẩm tăng. Chi phí vận chuyển 1 container từ Hải Phòng về Hà Nội bằng 3 lần từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Lãi suất tiền vay ngân hàng trung bình 8-10%, trong khi Trung Quốc là 4,3%, Malaysia là 4,6%, Hàn Quốc là 2-3%.

Thứ tư là thủ tục hành chính về tiếp cận đất đai, thị trường, cơ hội đầu tư còn khá phiền hà, thanh tra kiểm tra quá nhiều, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Mặc dù Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng giảm thiểu thủ tục hành chính, quy định mỗi năm kiểm tra không quá 1 lần đối với mỗi doanh nghiệp, nhưng do ý thức của  người thi hành công vụ, tập quán của phần lớn công chức nhà nước nên sự chuyển biến khá chậm chạp, tiếng kêu của doanh nghiệp đã trực tiếp đến Thủ tướng và lãnh đạo các bộ trong cuộc gặp gần đây,.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: "Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng nhưng quy mô quá nhỏ, không lớn lên được, thậm chí không chịu lớn" (!), nếu bốn trở lực trên đây không được dỡ bỏ.

Cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế tư nhân đã xuất hiện, tín hiệu mới từ số lượng doanh nghiệp ra đời trong 5 tháng đầu năm 2017 rất tích cực, chính phủ đã và đang làm nhiều việc để tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, do đó để nước ta có được đội ngũ doanh nghiệp nhiều về số lượng, vững mạnh về cơ cấu và chất lượng, không những làm chủ thị trường trong nước, mà có vị thế trong khu vực và từng bước trên thị trường thế giới thì cần tạo ra sự chuyển biến về chất từ sự chuẩn bị kiến thức, năng lực tư duy cho chủ doanh nghiệp trước và sau khi thành lập, coi trong liên kết theo chuỗi sản phẩm thông qua hoạt động của các hiệp hội nghề nghiệp; cải cách đồng bộ và nhanh chóng để bộ máy và công chức nhà nước hoạt động có hiệu năng cao hơn.

Tin mới lên