Ngân hàng

GS.TSKH Nguyễn Mại: Muốn tăng kiều hối, Nhà nước cần ‘mở cửa 2 đầu’

(VNF) – Để gia tăng kiều hối cả về lượng và chất thì theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Nhà nước nên "mở toang cửa" cho người Việt tại nước ngoài về nước tự do đầu tư, du lịch… cũng như khuyến khích người Việt trong nước định cư và làm việc tại nước ngoài.

GS.TSKH Nguyễn Mại: Muốn tăng kiều hối, Nhà nước cần ‘mở cửa 2 đầu’

GS.TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại hội thảo

Giải pháp "mở cửa 2 đầu"

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam" vừa diễn ra sáng ngày 29/09/2016 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, GS.TSKH Nguyễn Mại đã có những chia sẻ tâm đắc về vấn đề kiều hối tại Việt Nam.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, lượng người Việt Nam ở nước ngoài đang chiếm khoảng 5% tổng dân số, đây là con số rất ấn tượng so với nhiều nước, kể cả Trung Quốc. Chính lợi thế này đã khiến Việt Nam lọt vào nhóm nước có lượng kiều hối hàng năm nhiều nhất trên thế giới.

Theo tính toán thì trong giai đoạn 1991 – 2014, lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam đạt khoảng 92 tỷ USD, cộng thêm với khoảng 10 tỷ USD vốn Việt kiều đầu tư về nước thông qua FDI thì tổng lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam trong giai đoạn này rơi vào khoảng 102 tỷ USD, gần tương đương so với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuần cùng kỳ vào Việt Nam rơi vào khoảng 100 tỷ USD.

Mặc dù tương đương về lượng vốn nhưng rõ ràng, FDI đang tạo ra hiệu ứng và thành quả tích cực hơn nhiều so với kiều hối. Vậy nguyên nhân là do đâu?

GS.TSKH Nguyễn Mại dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng, hơn 50% lượng kiều hối vào Việt Nam để sử dụng vào mục đích tiêu dùng, một phần nữa để trả nợ, vốn kiều hối đem đi đầu tư thực chất không nhiều.

Còn theo lý giải của PGS.TS Phạm Văn Hùng, Trưởng Khoa Đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân thì hiện nay, hơn 80% lượng kiều hối về nước là từ Việt kiều, chỉ khoảng 7% lượng kiều hối là đến từ lao động xuất khấu.

Trong khi đó, kiều hối từ Việt kiều gửi về nước phần nhiều là do yếu tố tình cảm, đặc biệt là đối với những Việt kiều thế hệ đầu tiên. Còn lượng kiều hối gửi về từ lao động xuất khẩu vốn mang tính chất kinh tế cao, lại chỉ chiếm có 7%. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng sử dụng vốn kiều hối thiếu hiệu quả, đồng thời là dấu hiệu cho thấy phần nào tính yếu kém trong hoạt động thu hút kiều hối tại Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng".

Xưa nay những chính sách liên quan đến kiều hối của Việt Nam đều mang tính chất nhỏ giọt, gây khó khăn cho hoạt động thu hút và sử dụng hiệu quả vốn kiều hối. Vì vậy mà GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng: "Chúng ta cần có quan điểm đầy đủ hơn, đổi mới hơn mà tôi dùng chữ gọi là "mở cửa 2 đầu", tức là mở cửa đầu vào cho bất kỳ người Việt Nam sống ở đâu, làm việc gì ở nước ngoài có thể đi lại tự do về nước, đầu tư, du lịch, giao lưu…".

Tuy nhiên, cũng theo GS.TSKH Nguyễn Mại thì trước đó, Nhà nước cần khảo sát và đánh giá đúng xem có bao nhiêu phần trăm người Việt Nam tại nước ngoài ủng hộ chính sách "mở cửa đầu vào" trên. Nếu không có đánh giá đúng thì những người làm chính sách khó lòng "dám" đề xuất chính sách này.

Ngoài mở cửa đầu vào, GS.TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, nên mở cửa cả đầu ra đối với người Việt Nam muốn định cư tại nước ngoài: "Chúng ta đã có cộng đồng ASEAN, khuyến khích việc di cư lao động để hội nhập ASEAN. Chúng ta cũng nên khuyến khích việc du học, việc du học sinh ở lại, làm việc tại ngước ngoài.". Ông dẫn ví dụ về thành công của Trung Quốc khi khuyến khích việc du học và việc du học sinh ở lại, làm việc tại nước ngoài; Trung Quốc sau đó đã kéo lượng lao động tinh hoa này trở về và biến nguồn lực này trở thành nhân tố cực quan trọng trong phát triển đất nước.

Kiều hối 10 đồng, về Việt Nam đường chính thức chỉ 3 đồng

Theo nhận định của một đại diện Việt kiều thì trong số 10 đồng bà con Việt kiều muốn gửi về nước thì chỉ có 3 đồng là gửi về thông qua đường chính thức, còn lại 7 đồng là được giữ lại hoặc phải gửi qua đường "chợ đen". Điều này nghĩa là con số thực tế về kiều hối có thể cao hơn nhiều các số liệu thống kê.

Lý giải nguyên nhân này, ông Từ Như Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chuyển tiền toàn cầu VietinBank cho rằng, thực tế thì các ngân hàng rất khuyến khích việc kiều bào chuyển tiền về nước theo con đường chính thức là qua các ngân hàng.

Tuy nhiên, do vướng phải nhiều rào cản từ luật phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố thế giới nên nhiều bà con "không dám" gửi nhiều tiền về nước. Nhiều quốc gia hiện nay đang quy định hạn mức mỗi lần chuyển tiền ra nước ngoài cho mỗi công dân. Nếu một công dân nào đó chuyển tiền ra nước ngoài với tần suất quá nhiều thì sẽ bị cơ quan nước sở tại liệt vào danh sách theo dõi theo luật phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc bà con kiều bào thường xuyên phải gửi tiền về nước thông qua kênh không chính thức là rất thực tế. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra việc chênh lệch số liệu giữa nhiều báo cáo thống kê về kiều hối.

Tin mới lên