Tài chính

Hạ màn ‘nội chiến’ quyền lực, kỷ nguyên mới xán lạn cho PNC?

(VNF) – Trong một thời gian ngắn, "bộ sậu" cũ đã thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam. Đây là những cuộc thoái vị bắt buộc sau khi chịu sức ép khủng khiếp từ cổ đông nội bộ. Với những gương mặt mới trong hội đồng quản trị, cuộc "binh biến" đã ngã ngũ, cởi bỏ được "sức ì" khủng khiếp cho PNC.

Hạ màn ‘nội chiến’ quyền lực, kỷ nguyên mới xán lạn cho PNC?

Giải quyết xong xung đột quyền lực nội bộ, PNC cởi bỏ được sức ì

Cuộc thoái vị của triều đại cũ

Trong vòng ít ngày, một loạt thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đã đăng ký bán sạch 16,85 cổ phần tại PNC. Thành viên cốt cán là ông Lê Lam Viên đã bán xong hơn 619 nghìn cổ phiếu, 6 nhân vật khác trong HĐQT và ban kiểm soát trong đó có vợ ông Viên cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ.

Bà Phan Thị Lệ, người nắm giữ chức vị Chủ tịch HĐQT 25 năm cũng đã đăng ký bán 605 nghìn cổ phiếu, tương đương 5,6% vốn tại PNC để "thoái vị". Bà Lệ và ông Viên và những thành viên còn lại đại diện cho "thế lực" cũ nắm giữ quyền điều hành tại PNC trong khi chỉ nắm giữ và ủy thác nắm giữ 30% vốn.

Điều này dấy lên cuộc xung đột kéo dài nhiều năm tại PNC giữa nhóm này và nhóm cổ đông lớn sở hữu 60% vốn điều lệ để tranh chấp quyền điều hành. Tại kỳ ĐHCĐ thường niên được tổ chức đầu năm 2017 và ĐHCĐ bất thường sau đó, nhóm của bà Lệ được cho là đã tự sắp xếp các vị trí chủ chốt trong HĐQTmà không cần biểu quyết và không thông qua Dự thảo Nghị quyết, bất chấp phản đối của nhóm cổ đông lớn.


Sở hữu 20% vốn tại CGV, một trong các yếu tố dẫn đến tranh chấp quyền lực tại PNC khi phần vốn này được cho là đã định giá thấp hơn thực tế

Căng thẳng leo thang, 3 cuộc đại hội sau đó đều không tổ chức được do tỷ lệ cổ đông tham gia quá thấp, không đủ người. Đến tháng 10/2017, hàng loạt thành viên chủ chốt bất ngờ rao bán toàn bộ cổ phần. Động thái này xuất phát từ sức ép của nhóm cổ đông lớn và nhóm nhà đầu tư mới nhảy vào thâu tóm PNC, buộc các thành viên cũ phải "thoái vị". 

Nghị quyết mới của HĐQT PNC ngày 26/10 cũng thông báo đã bầu ông Đặng Bá Tùng làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hữu Hoạt (đại diện cho 15,8 % vốn nhà nước thông qua Liksin) làm CEO. Triều đại cũ kéo dài hàng chục năm tại PNC chính thức tan rã.

PNC sẽ thoát xác?

Theo giới tài chính, cuộc nội chiến trầm kha chính là nguyên nhân lớn nhất khiến PNC bị ảnh hưởng trong thời gian dài vừa qua. Trong khi thực lực của doanh nghiệp này thuộc dạng "khủng" trên thị trường, đặc biệt là kênh kinh doanh văn hóa. 

Ngay trong báo cáo tổng kết năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017, ban lãnh đạo PNC đã thừa nhận rằng điểm yếu của PNC là "việc tranh giành quyền lợi và nảy sinh mâu thuẫn giữa một nhóm cổ đông lớn với các cổ đông nhỏ đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh tiếng của thương hiệu PNC, gây ra một số bất lợi đối với hoạt động kinh doanh của Công ty".

Diễn biến trên thị trường chứng khoán, thăng trầm theo "chiến sự", giá cổ phiếu PNC có thời điểm rớt xuống khỏi mệnh giá, chạm đáy 9.010 đồng/cổ phiếu. Khi những tín hiệu "thay máu" dần lộ diện, cổ phiếu PNC bắt đầu hành trình tăng giá, đến ngày 25/09/2017, đạt mức 23.000 đồng/cổ phiếu, tăng 155%, gần chạm đỉnh của hơn 10 năm trước. 

Hiện tại, PNC đã tăng lên mức 28 nghìn đồng/cổ phiếu. Điều này cho thấy hiệu ứng tâm lý lớn của nhà đầu tư sau khi vấn đề nội tại của PNC được giải quyết.

PNC có vốn điều lệ 110,4 tỷ đồng, tổng tài sản 596,4 tỷ đồng, được cho là sở hữu một trong những chuỗi cửa hàng sách bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam với khoảng gần 35 cửa hàng quy mô lớn ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Hải Phòng, Bình Dương, Huế. Hầu hết, các cửa hàng sách, tập chí, báo, DVD, truyện tranh, quà tặng, trò chơi và đĩa nhạc.

PNC đang sở hữu 20% Megastar (CGV) chuyên về nhập khẩu phim, rạp chiếu phim. Đến cuối năm 2016, Megastar đã nâng tổng số cụm rạp tại Việt Nam lên 38 cụm với 247 phòng chiếu. Năm 2016, Megastar ghi nhận gần 93,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Đây có thể xem là con gà đẻ trứng vàng của PNC.

Danh mục bất động sản "khủng" do PNC nắm giữ

Trong danh mục tài sản của PNC, doanh nghiệp này sở hữu đến 9 tài sản bất động sản khủng gồm nhà đất tại các khu đất vàng hoặc tiềm năng của TP HCM. Đó chính là lý do khởi phát nhiều thông tin nhà đầu tư mới của PNC được hé lộ là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp quy mô lớn.

Giới phân tích cho rằng, việc đang sở hữu 20% tại cụm rạp CGV ở Việt Nam và số ít bất động sản nằm rải rác ở các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh đang được PNC ghi nhận trên sổ sách kế toán với giá trị thấp có thể là món đầu tư hấp dẫn cũng là nơi khởi nguồn của các xung đột lợi ích tại PNC. Khi đã chuyển giao quyền lực và minh bạch hơn trong quản lý, PNC sẽ trở thành "miếng bánh ngon" mà bất kỳ quỹ đầu tư nào cũng phải nhòm ngó. 

Tin mới lên