Bất động sản

Hà Nội đề xuất xây 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống

(VNF) - Thành phố Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ xây 6 cây cầu: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và Giang Biên với tổng mức đầu tư gần 57.000 tỷ đồng.

Hà Nội đề xuất xây 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống

Hà Nội xin cơ chế xây 6 cầu hầm vượt sông Hồng, sông Đuống

Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài 5,2 km, bao gồm đường hai đầu cầu. Điểm đầu khớp nối với dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32, điểm cuối tại vị trí nút giao với đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Hầm Trần Hưng Đạo (khoảng 3,1 km) có điểm đầu tại nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, điểm cuối tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn, quận Long Biên.

Cầu Vĩnh Tuy (Giai đoạn 2) có tổng chiều dài khoảng 3,5 km. Đầu cầu chính vượt sông thuộc khu vực đê Hữu Hồng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối, nút giao với đường Cổ Linh, thuộc phường Long Biên – Quận Long Biên. Công trình này sẽ kết nối với đường Cổ Linh và đường dẫn đã có quy mô hoàn thiện từ giai đoạn 1 thông qua vòng xuyến hiện tại.

Cầu Đuống 2 có tổng chiều dài khoảng 1,4 km. Điểm đầu cầu nằm trên đường Ngô Gia Tự, thuộc phường Đức Giang, quận Long Biên, cách ngã rẽ lên cầu Đuống hiện tại khoảng 300 m về phía Nam, điểm cuối nằm trên đường Hà Huy Tập, thuộc thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, cách ngã tư Hà Huy Tập với Phan Đăng Lưu khoảng 540m về phía Bắc Ninh.

Cầu Giang Biên có tổng chiều dài 5,4 km. Đường dẫn hai đầu cầu (nối Vĩnh Tuy, Vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp) có chiều dài 5,4 km đi qua quận Long Biên, huyện Gia Lâm.

Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công – tư). Dự kiến Hà Nội sẽ đổi đất các khu vực ngoại thành phía Bắc lấy cầu vượt sông.

Các chuyên gia nhìn nhận, Hà Nội đang đi một bước đi chiến lược nhắm đến 2 mục đích chính. Một là phát triển hạ tầng giao thông, hai là phát triển đô thị ở những khu vực còn bỏ ngỏ do thiếu hạ tầng. 

Một khi có đường to cầu lớn, đi lại thuận tiện, đô thị phía Bắc sẽ nhanh chóng thu hút được dân cư, vừa giãn bớt áp lực cho trung tâm vừa thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mọi khu vực trong thành phố.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 18 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và Sông Đà.

Tin mới lên