Diễn đàn VNF

Habeco thụt lùi trước cổ phần hóa: 'Tôi đặt nghi vấn...'

Tôi đặt nghi vấn có ý đồ chủ quan đánh tụt giá trị kinh doanh của doanh nghiệp này để thâu tóm cổ phần của nội bộ cổ đông Habeco

Habeco thụt lùi trước cổ phần hóa: 'Tôi đặt nghi vấn...'

Có ý đồ trong việc cố ý để kết quả kinh doanh của Habeco sụt giảm?

PGS.TS Vũ Trí Dũng - Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần phải làm rõ động cơ trong việc để Habeco liên tục nhận kết quả kinh doanh thụt lùi trong một vài năm liền trở lại đây.

Theo ông Dũng, Habeco từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam, với sản lượng bia đạt 724 triệu lít/năm (năm 2016), chiếm khoảng 18% sản lượng tiêu thụ nội địa của toàn hệ thống.

Những sản phẩm của thương hiệu này cũng liên tục đạt tăng trưởng mạnh trong các phân khúc cao cấp. Có thời điểm, cổ phiếu của Habeco đã trở thành điểm nóng và là sự thèm muốn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Habeco cũng đã đầu tư rất nhiều nhà máy sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho ra nhiều sản phẩm, nhãn hàng mới nhưng kết quả kinh doanh lại ngày càng thụt lùi, mất dần thị phần và ưu thế trên thị trường.

Chỉ tính riêng quý cuối năm 2017, mức doanh thu sụt giảm của doanh nghiệp này lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tính trong trong cả năm 2017, doanh thu của Habeco bị giảm 2% so với năm 2016.

"Vướng mắc lớn nhất của Habeco nằm ở năng lực, trình độ của hệ thống quản trị doanh nghiệp còn quá hạn chế, yếu kém. Lãnh đạo không chú trọng quan tâm tới chiến lược kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp mà chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân, tới đấu đá nội bộ. Do đó, dù đã đầu tư rất lớn để xây dựng, mở rộng nhà máy nhưng Habeco vẫn không phát triển được", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, cùng với đó, vị chuyên gia cũng đặt nghi vấn sự sụt giảm của Habeco có thể còn có ý đồ chủ quan từ chính phía các cổ đông chính của doanh nghiệp này nhằm hạ giá trị cổ phiếu để thâu tóm.

"Theo kế hoạch, Habeco sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018, việc liên tiếp để kết quả kinh doanh yếu, kém trước khi thực hiện cổ phần hóa có phần không rõ ràng.

Bản thân Habeco cũng đang gặp trục trặc từ chính các cổ đông chi phối là Bộ Công Thương và Carlberg. Carlberg vừa là cổ đông cũng đồng thời được phép độc quyền mua cổ phiếu tại Habeco. Tuy nhiên, nếu bán cho Carlberg thì Habeco không thể bán được giá cao. Đây là vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm để thực hiện việc bán vốn tại doanh nghiệp này.

Tôi không hiểu, liệu có ý đồ bắt tay, thỏa thuận giữa Habeco, Bộ Công Thương và Carlberg nhằm đánh tụt kết quả kinh doanh, khiến giá trị doanh nghiệp giảm, giá cổ phiếu thấp, nội bộ bộ máy quản trị sẽ thâu tóm được nhiều hơn không?.

Việc này trái ngược với Sabeco, vì Sabeco bán được vốn cho nhà đầu tư Thái, do đó, họ đã bán được với giá cao nhất. Nhà nước lợi.

Còn Habeco đang có sự đấu đá, mâu thuẫn nội bộ nên có thể Carlberg cũng muốn mua mà những cán bộ, lãnh đạo đầu tư vào Habeco cũng muốn thâu tóm thương hiệu này, do đó, tôi đặt nghi vấn có ý đồ chủ quan đánh tụt giá trị kinh doanh của doanh nghiệp này", ông Dũng thẳng thắn nói.

Theo ông Dũng, vấn đề bây giờ Chính phủ cần phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc đang tồn tại tại doanh nghiệp này trước khi thực hiện cổ phần hóa nhằm đảm bảo giá trị cho Nhà nước.

Cụ thể, tách riêng phần vốn ưu tiên cho Carlberg. Với phần vốn này, Carlberg có thể được mua với giá ưu đãi hơn. Phần vốn còn lại phải mở bán công khai, rộng rãi, với giá cao hơn.

"Những người lãnh đạo trong hệ quản trị Habeco cần phải hiểu rằng, nếu mâu thuẫn nội bộ tiếp tục kéo dài thì thị phần doanh nghiệp ngày càng sụt giảm, như vậy việc khôi phục, lấy lại thị phần trong tương lai sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vì thế, việc mâu thuẫn nội bộ phải được giải quyết dứt điểm, không nên vì lợi ích cá nhân mà tạo cơ hội, tự dâng hiến thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc tiếp theo là đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, phải thay đổi, nâng cao hệ thống quản trị của doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa", ông Dũng cảnh báo.

Tin mới lên