Tiêu điểm

Hai nỗi đau của Trung tướng Phan Văn Vĩnh

"Tôi hứa với tất cả các bạn sẽ làm tất cả để trấn áp tội phạm. Nếu lần sau còn ngồi tại đây, tôi sẽ chỉ có những niềm vui để kể cho các bạn chứ không phải nỗi buồn như đêm nay", tướng Vĩnh chùng giọng nói như vậy tại một buổi giao lưu với thanh niên TP. HCM.

Hai nỗi đau của Trung tướng Phan Văn Vĩnh

Hai nỗi đau của Trung tướng Phan Văn Vĩnh

Hai nỗi đau

Tại buổi giao lưu giữa 122 cảnh sát tiêu biểu toàn quốc và đoàn viên thanh niên TP. HCM do Bộ Công an phối hợp với Thành đoàn TP. HCM tổ chức tối 23/5/2012, Trung tướng Phan Văn Vĩnh – khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đã chia sẻ những cảm xúc trong những ngày tháng chống tội phạm. Mặc dù được quan tâm nhiều đến các chiến công nhưng ông chỉ muốn nhắc lại những nỗi buồn và những lần rơi nước mắt trong lúc thực thi nhiệm vụ. Bởi đó là những cái ám ảnh, mãi mãi khắc sâu vào trái tim vị tướng này.

Tướng Phan Văn Vĩnh cho biết gần 40 năm tuổi quân, ông đã trải qua rất nhiều nỗi buồn nhưng có 2 nỗi đau mà ông không bao giờ quên là khi tìm thấy xác của một người đồng đội và ám ảnh trước những cái chết thảm khốc của các nạn nhân do sát thủ Lê Văn Luyện gây ra.

Ông kể lúc 5h sáng một ngày năm 1994, ông nhận được tin báo chiến sĩ Đồng Văn Linh trong lúc truy bắt tội phạm truy nã đã bị nước cuốn trôi. Ngay lập tức xuống hiện trường, ông được mọi người cho biết vừa tìm thấy thi thể anh Linh. 

Trước đó, Linh cùng một chiến sĩ khác nhận được tin báo tên tội phạm bị truy nã đang chạy trốn cách nơi làm việc 30 km. Các anh lập tức lên đường truy đuổi. Đến một dòng sông chảy xiết, tên tội phạm lao xuống sông, Linh cũng lao theo. Khi bắt được anh ta cũng là lúc người chiến sĩ công an kiệt sức, bị dòng nước cuốn trôi.

"Nhìn xác đồng đội lòng tôi đau như cắt. Tôi trực tiếp khám nghiệm tử thi mới biết bao tử đồng chí ấy trống không. Tôi hiểu rằng, để truy bắt bằng được tội phạm, đồng chí Linh đã phải chịu cực khổ, quên thân. Tấm gương của Linh mãi mãi thắp sáng nhưng lại là một nỗi buồn khó quên của tôi", tướng Vĩnh rơi nước mắt.

Trong quá trình điều tra vụ thảm sát do Lê Văn Luyện gây ra, tướng Phan Văn Vĩnh là Trưởng ban chỉ đạo chuyên án. Ông bảo khi xuống hiện trường đã chứng kiến cảnh kinh hoàng: vợ chồng chủ tiệm vàng chết cùng đứa con gái mới 18 tháng tuổi, đứa lớn học lớp 3 may mắn thoát chết với bàn tay bị đứt lìa. "Những cái chết rất thảm khốc, chỉ thấy máu và máu khiến tất cả chúng tôi lặng người. Điều đó thúc đẩy chúng tôi quyết tâm bắt bằng được tội phạm", tướng Vĩnh nói.

Ngay sau đó, hàng nghìn cảnh sát ưu tú của 10 tỉnh gần địa bàn Bắc Giang được huy động vào cuộc. Sau 4 ngày, những manh mối đầu tiên bắt đầu hiện lên và Lê Văn Luyện đã bị bắt tại Lạng Sơn khi đang trên đường bỏ trốn. "Tôi hứa với tất cả các bạn sẽ làm tất cả để trấn áp tội phạm. Nếu lần sau còn ngồi tại đây, tôi sẽ chỉ có những niềm vui để kể cho các bạn chứ không phải nỗi buồn như đêm nay", tướng Vĩnh chùng giọng.

Bài học thu phục lòng dân

"Bài học thu phục lòng dân chưa bao giờ là cũ. Mấy trăm năm trước, Nguyễn Trãi đã nói: đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dạy: trong công tác, kẻ địch cũng rút kinh nghiệm, cho nên địch có cải tiến công tác của nó, nhưng có một điều cơ bản nó không học nổi, đó là học lấy lòng dân" – Trung tướng Phan Văn Vĩnh từng chia sẻ như vậy trong một lần trả lời phỏng vấn báo Công an nhân dân.

Theo báo này, bài học thu phục lòng dân luôn được Trung tướng Phan Văn Vĩnh áp dụng trong việc chỉ đạo phá án, đặc biệt là các vụ án khó. Còn nhớ vụ án tên Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, số điện thoại của Trưởng ban chỉ đạo chuyên án dùng luôn làm số điện thoại nóng để thu nhận tố giác của người dân. "Tôi, Phan Văn Vĩnh, Trưởng ban chỉ đạo chuyên án nghe đây…" , chừng đấy thôi cũng đủ khiến những người dân muốn tố giác tội phạm thêm vững tin vào công lý. Trong vụ sát hại 6 người ở Bình Phước cũng thế, Trung tướng Phan Văn Vĩnh chỉ đạo phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm.

"Bọn tội phạm dù tinh vi đến đâu cũng khó có thể che giấu được những người cận kề. Dù chỉ một thông tin nhỏ nhưng đôi khi đó chính là tình tiết giúp lực lượng công an phá án" – Trung tướng Phan Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo báo này, quyết liệt với tội phạm, nhưng cũng rất có cái tình với người phạm tội nếu họ biết quay đầu về nẻo thiện, đó chính là một phần cá tính của Trung tướng Phan Văn Vĩnh. Sau này, khi ở vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thỉnh thoảng mới về Nam Định, nhưng hình ảnh vị Trung tướng gần gũi với nhân dân, đặc biệt có tài "nói chuyện" với giang hồ, vẫn là hình ảnh thân thiết đối với đa số người lao động nơi đây.

Nhiều đối tượng cộm cán chấp hành xong thời gian cải tạo, đã tu chí làm ăn lương thiện, gặp lại người đã bắt mình năm nào, nhưng họ không oán trách mà ngược lại, bày tỏ sự biết ơn vì những gì Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã dành cho họ hoặc cho gia đình họ trong thời gian họ đi cải tạo.

Nhiều trường hợp sau khi chấp hành xong thời gian cải tạo, đã được đồng chí Phan Văn Vĩnh bố trí cho công việc thích hợp trong các công ty, nhà máy mà bằng uy tín của mình, ông đã "bảo lãnh" cho họ, giúp họ có công việc ổn định, nuôi được bản thân và gia đình. Cái tình ấy, đối với những người từng dính gió bụi giang hồ, hẳn không dễ gì quên.

Trong cuộc đời làm Công an, ông luôn nhìn tội phạm theo 2 chiều thuận và nghịch: Luôn tìm ra nguyên nhân vụ việc và xử lý tội phạm. Nhưng cũng luôn tìm ra cách gỡ tội cho họ được hưởng khoan hồng. 

"Phải có trái tim để xử lý tội phạm. Tìm điểm sáng còn lại trong con người họ để lại cho chính gia đình họ…" – đó là cách sống, cách làm việc của ông, một con người luôn khắt khe với mình, khắt khe với cái ác nhưng luôn mở lòng với mọi người, với cuộc sống nhân sinh.

Bằng những chiến công vang dội của mình, tướng Vĩnh đã được Nhà nước ghi nhân và tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Những tưởng sau khi về hưu khép lại đời binh nghiệp ông sẽ được vui thú an hưởng tuổi già với vườn cây cảnh. Thế nhưng, thời gian qua ông lại phải làm việc với Công an tỉnh Phú Thọ để làm rõ một số thông tin có liên quan đến đại án đánh bạc qua mạng mà thuộc cấp của ông - nguyên thiếu tướng, Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá đã bị bắt.

Cập nhật: Hôm nay (6/4), Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã chính thức ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh. Theo đó, ông Vĩnh bị khởi tố theo điều 356, Bộ luật Hình sự với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tin mới lên