Tài chính quốc tế

'Hàng Made in China không rẻ như bạn nghĩ!'

(VNF) - Chi phí lao động mỗi đơn vị sản lượng sản xuất tại Trung Quốc chỉ rẻ hơn so với hàng sản xuất tại Mỹ 4%, theo Oxford Economics.

'Hàng Made in China không rẻ như bạn nghĩ!'

Bất chấp đồng USD phục hồi kể từ năm 2014, sản xuất hàng hóa tại Mỹ vẫn đang được hưởng lợi từ tốc độ tăng năng suất mạnh nhất thế giới, một thị trường lao động linh hoạt, năng lượng giá rẻ và một thị trường tiêu thụ nội địa lớn.

Nghiên cứu mới đây của Oxford Economics cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ vẫn đầy sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo Oxford Economics, chi phí lao động trên mỗi đơn vị sản lượng tại Mỹ chỉ cao hơn của Trung Quốc 4% và thấp hơn so với nhiều quốc gia khác như Úc, Canada, Đức, Thụy Điển, Anh.

"Mặc dù ngành sản xuất tại Mỹ hiện đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược" từ đồng USD mạnh và căng thẳng trong lĩnh vực dầu đá phiến, tuy nhiên vẫn cạnh tranh nhất trên toàn thế giới", chuyên gia phân tích Gregory DACO và Jeremy Leonard tại Oxford Economics cho biết.

Những con số được thể hiện vô cùng ấn tượng. Sản lượng sản xuất trên một người lao động tại Mỹ đã tăng khoảng 40% trong giai đoạn từ năm 2003-2016 so với 25% của Đức và 30% tại Anh. Dù năng suất ở Trung Quốc và Ấn Độ tăng gấp đôi, Mỹ vẫn cao hơn 80% – 90%.

Năng suất cao đã giúp Mỹ giảm chi phí lao động trên một đơn vị lao động hay tiền lương theo sản lượng của công nhân.

"Với thực trạng tốc độ tăng lương ở Trung Quốc tăng nhanh hơn so với mức tăng năng suất, chi phí lao động trên một đơn vị sản lượng của Trung Quốc hiện nay chỉ thấp hơn so với ở Mỹ có 4%", các nhà phân tích viết.

Năng suất lao động của Mỹ (sản lượng đầu ra/người lao động) đang ở mức cao nhất thế giới

Tuy nhiên, tăng trưởng năng suất lao động của toàn nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây. Cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục thâm hụt.

Nếu đồng USD tăng lên, đây sẽ là nguy cơ đối với các nhà xuất khẩu của nước này, các chuyên gia cho biết. "Nếu USD tăng 20% chắc chắn sẽ làm "sứt mẻ" năng lực cạnh tranh của Mỹ, và một lần nữa Trung Quốc sẽ trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn và đây cũng là một lợi thế đáng kể cho các nhà sản xuất Nhật Bản".

Chỉ trích Trung Quốc vẫn đang là một vấn đề nóng trên chính trường Mỹ. Từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump thường xuyên chỉ trích Trung Quốc. Trump cho rằng Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thương mại, lấy đi việc làm của người Mỹ, làm suy giảm tầng lớp trung lưu Mỹ thông qua các động thái phá giá nhân dân tệ và các chính sách thương mại một chiều.

Báo cáo này từ Oxford Economics có thể sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với những lời chỉ trích hơn nữa từ các chính trị gia Mỹ, theo Bloomberg.

Trước những câu hỏi liên quan đến việc các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ công kích Trung Quốc trong thời gian gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 16/3 khẳng định, quan hệ Mỹ - Trung có thể vẫn sẽ phát triển bất kể chủ nhân chiếc ghế Nhà Trắng trong thời gian tới là ai đi chăng nữa.

Tin mới lên