Tài chính

Hãng phim truyện Việt Nam: 60 năm và thương hiệu không đáng 1 xu

(VNF) - Là "anh cả" trong nền điện ảnh Việt Nam với 60 năm tuổi đời và hàng trăm tác phẩm điện ảnh kinh điển, hàng chục nghìn m2 "đất vàng" giữa thủ đô nhưng thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chỉ được định giá 0 đồng.

Hãng phim truyện Việt Nam: 60 năm và thương hiệu không đáng 1 xu

Thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bị định giá 0 đồng

Mới đây, Chi hội Điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu tới Hội Điện ảnh Việt Nam về tình hình cổ phần hóa.

Trong lá đơn, các thành viên Chi hội Điện ảnh này cho rằng, sự định giá thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 và việc chọn cổ đông chiến lược duy nhất là Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch.

Tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ này chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán xác định giá trị thương hiệu để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định.

"Việc xác định giá trị thương hiệu sẽ căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam", văn bản của Thủ tướng nêu rõ.

Ngày 23/6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định thành lập Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng.

Giá trị thương hiệu Hãng phim được xác định bằng 0 được các cơ quan chủ trì cổ phần hóa lý giải: hãng không có những chi phí để xác lập nên giá trị thương hiệu như chi phí đào tạo, chi phí quảng cáo, lập trang web,...

Một điều đáng chú ý trong phương án cổ phần hóa VFS là phương án lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Biểu tượng của ngành điện ảnh nằm trong tay ông chủ mới chuyên về lái tàu, kinh doanh cảng sông và không có chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh là Tổng công ty Vận tải Đường thủy (Vivaso).

Điều đáng nói, theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VFS hồi tháng 3/2016, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp công ty đang quản lý và sử dụng 4 khu đất tại Hà Nội và TP HCM. Trong đó 2 khu đất "vàng" là số 04 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội có diện tích 5.448,5 m2 hiện đã hết hạn hợp đồng và đang đề nghị được tiếp tục sử dụng và khu đất số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh có diện tích là 1.208,7m2.

Ngoài ra, VFS còn quản lý khu đất 905m2 ở Hoàng Hoa Thám làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382m2 tại Đông Anh (Hà Nội) là trường quay phim. 

Tuy nhiên, những mảnh đất vàng này lại không nằm trong danh mục định giá để cổ phần hóa. 

Tại thời điểm cổ phần hóa hồi tháng 4/2016, giá trị doanh nghiệp của VFS được tính để cổ phần hóa chỉ trên 50 tỷ đồng. Và chỉ bỏ ra 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã trở thành người nắm giữ 65% cổ phần.

Cũng như với đất đai, tài sản là hơn 300 bộ phim do VFS sản xuất trong 63 năm cũng không được định giá. Và cuối cùng một tài sản vô hình khác là thương hiệu VFS cũng không được định giá.

Sau hơn 50 năm tồn tại, dù gần đây rơi vào thua lỗ, nợ nần nhưng VFS đã sản xuất hơn 300 bộ phim, trong đó nhiều bộ phim là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội, Đời cát,...

Thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0, hàng nghìn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị doanh nghiệp; Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) - một công ty có ngành nghề chẳng mấy liên quan đến phim ảnh, nghệ thuật - thâu tóm đến 65% cổ phần, những thực tế này khiến không ít nghệ sĩ trăn trở.

Đến nay, việc cổ phần hóa đã xong nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Một hãng phim quốc gia tại sao giá thương hiệu lại không đáng một xu?

Tin mới lên