Ngân hàng

Hàng tỷ USD từ ngân hàng Việt 'chảy' ra nước ngoài là chuyện bình thường?

(VNF) - Theo Viện trưởng VEPR, sự xuất hiện dòng tiền gửi lớn bất thường 7,3 tỷ USD ra nước ngoài trong quý III/2015 là hệ lụy của bẫy thanh khoản ngoại tệ, còn Tiến sỹ Cấn Văn Lực đây là chuyện bình thường.

Hàng tỷ USD từ ngân hàng Việt 'chảy' ra nước ngoài là chuyện bình thường?

Tại buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, đề cập đến câu chuyện tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở giai đoạn trước đã gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD trong quý III/2015. Viện trưởng VEPR cho rằng đó là hệ luỵ của "bẫy thanh khoản ngoại tệ". 

Theo Tiến sỹ Thành, giai đoạn quý III/2015, việc điều chỉnh chính sách tỷ giá ngoại hối, đặc biệt là việc hạ lãi suất vay USD về 0% đã khiến hệ thống ngân hàng đối mặt với thách thức. 

"Ngay cả khi lãi suất USD được hạ rất thấp, thậm chí về 0% thì người dân vẫn mua USD hoặc doanh nghiệp vay tiền VNĐ, chứ không vay USD. Ngân hàng thương mại không thể cho vay USD dù lãi suất đã hạ rất thấp. Do đó, ngân hàng thương mại không thể cho vay USD dù hạ lãi suất cho vay, dẫn đến "bẫy thanh khoản ngoại tệ", ông Thành nói.

Viện trưởng VEPR cho rằng, hệ luỵ của "bẫy thanh khoản ngoại tệ" là việc các nhà băng phải chuyển USD ra nước ngoài để thu lãi, trong khi chờ đợi phá giá. Đó là nguyên nhân lý giải cho việc có dòng tiền gửi lớn bất thường từ Việt Nam chảy ra nước ngoài trong quý III/2015. Theo ông Thành, lượng tiền gửi của các ngân hàng thương mại chuyển ra nước ngoài khi đó khoảng 7,3 tỷ USD, nếu tính gộp các khoản.

Cũng về câu chuyện "bẫy thanh khoản ngoại tệ", Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV lại cho rằng con số 7,3 tỷ USD từ Việt Nam ra nước ngoài trong quý III/2015 là câu chuyện hết sức bình thường, do nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu đặc biệt là giai đoạn cuối năm.

Ông Lực dẫn chứng, riêng BIDV cần tới 15 tỷ USD để thanh toán xuất nhập khẩu vào cuối năm, hay như Vietcombank cần tới 30 tỷ USD. Hơn nữa, thời điểm quý III/2015, thị trường đối mặt với rủi ro tỷ giá cao khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá 3 lần, Việt Nam cũng điều chỉnh 3 lần. "Do đó, tâm lý người dân cũng như người làm ngân hàng bao giờ cũng cần dự trữ ngoại tệ để đề phòng rủi ro tỷ giá thì đương nhiên ngân hàng phải gom USD để đề phòng rủi ro", ông Lực nói.

Còn việc gửi tiền ở nước ngoài mà không để ở trong nước, Phó tổng giám đốc BIDV cũng cho rằng: "Trong khi mức lãi trong nước chỉ 0,25% một năm, rồi giảm về 0% một năm, ở nước ngoài thời điểm đó lãi suất cao hơn một chút là 0,5% – 0,6% một năm... thì việc các ngân hàng chọn gửi ở nước ngoài là bài toán kinh doanh hết sức bình thường, không phải thanh khoản có vấn đề gì, cũng không phải thừa ngoại tệ".

"Theo thống kê của chúng tôi, cuối năm 2015, các ngân hàng vẫn cho vay ngoại tệ bình thường chứ không phải "kìm" lại. Quý III năm ngoái, có 1 đồng ngoại tệ huy động thì ngân hàng vẫn cho vay 1,2 đồng. Như vậy ngân hàng vẫn cho vay rất tốt, chứ không phải rơi vào bẫy thanh khoản ngoại tệ như báo cáo đưa ra", Tiến sỹ Cấn Văn Lực phản biện.

Tin mới lên