Công nghệ

Hành trình 7 năm và giá trị 20 tỷ USD của startup chia sẻ văn phòng

Sau 7 năm ra mắt, WeWork hiện là startup lớn thứ 3 tại Mỹ và thứ 6 trên thế giới với giá trị 20 tỷ USD...

Hành trình 7 năm và giá trị 20 tỷ USD của startup chia sẻ văn phòng

Startup chia sẻ văn phòng WeWork được định giá hơn 20 tỷ USD

Trong vòng 3 tháng qua, startup chia sẻ văn phòng WeWork nhận được tổng cộng 4,4 tỷ USD vốn đầu tư, nâng tổng số vốn đã nhận được lên 8 tỷ USD và được định giá hơn 20 tỷ USD. Theo đó, WeWork trở thành startup lớn thứ 3 tại Mỹ (sau Uber và Airbnb) và lớn thứ 6 trên thế giới.

WeWork được đồng sáng lập bởi một kiến trúc sư và một doanh nhân đa ngành với tham vọng "định nghĩa lại" khái niệm văn phòng, Adam Neumann và Miguel McKelvey.

Neumann tới New York năm 2001 và thành lập Công ty Krawlers chuyên bán quần áo cho trẻ em. "Chúng tôi làm việc trong cùng một tòa nhà, nơi McKelvey là kiến trúc sư trưởng tại một công ty nhỏ", Neumann cho biết.

Với hứng thú trong ngành bất động sản, Neumann cùng người bạn mới quen thành lập Công ty bất động sản Green Desk.

Green Desk gần như là tiền thân của của WeWork khi cung cấp dịch vụ chia sẻ văn phòng với đồ dùng tái chế, cafe miễn phí và sử dụng nguồn năng lượng xanh từ năm 2008.

Tại WeWork, khách hàng được gọi là "thành viên", có thể thuê một bàn hoặc một văn phòng riêng theo tháng. Số tiền họ thu được nhanh chóng vượt qua chi phí thuê tòa nhà nhờ đáp ứng nhu cầu của những người làm việc tự do với đủ nội thất, phòng họp, internet tốc độ cao, bếp và các trang thiết bị cần thiết khác.

Thời điểm năm 2008, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, thị trường bất động sản lao dốc, Green Desk càng được đà phát triển mạnh mẽ hơn. Khi đó, nhiều người bị sa thải do khủng hoảng bắt đầu lập công ty riêng và tìm tới văn phòng của Green Desk.

Tuy nhiên, Neumann và McKelvey nhận thấy hoạt động Green Desk không bền vững bởi mọi người đổ xô tới đây chỉ vì muốn có mặt trong một cộng đồng. Năm 2010, họ bán cổ phần và bắt đầu xây dựng WeWork.

Cả hai chỉ có khoảng 300.000 USD, với điểm tín dụng yếu kém và không có tòa nhà nào trong tay. Dù vậy, họ vẫn thuyết phục được chủ đất cho thuê lại một tầng của một tòa nhà để thử nghiệm mô hình mới.

Văn phòng đầu tiên của WeWork nằm trong một tòa nhà kiểu chung cư ở SoHo, Manhattan, thành phố New York.

Ngay từ đầu, Neumann và McKelvey đã xác định hoạt động cho thuê văn phòng chỉ là một phần của hệ sinh thái chia sẻ với căn hộ, phòng tập thể hình và thậm chí cả cửa hàng cắt tóc, phục vụ cho một cuộc sống cộng đồng. 

Chỉ sau một tháng ra mắt, WeWork đã bắt đầu có lãi và là nơi lui tới của các nhà sáng lập công ty, các nhà đầu tư.

Trong 2 năm sau đó, WeWork mở rộng thêm 4 văn phòng và "lọt vào mắt xanh" của quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark (cũng từng đầu tư vào eBay, Twitter và Uber từ ngày đầu thành lập của các startup này).

Trong vòng gọi vốn đầu tiên, WeWork nhận được 17 triệu USD từ Benchmark để tiếp tục mở rộng quy mô với 100.000 thành viên vào năm 2014.

Chỉ trong thời gian ngắn, WeWork liên tục nhận thêm vốn đầu tư và phát triển thành mạng lưới 164 văn phòng tại 17 nước với hơn 120.000 thành viên.

Đa số văn phòng của WeWork có bố cục tương tự nhau nhưng được trang trí với phong cách khác biệt. WeWork Old Street tại London được trang trí với nghệ thuật graffiti mang lại cảm giác vui vẻ.

Còn WeWork Sony Center tại Berlin (Đức) lại có thiết kế tường kính nhìn ra thành phố. 

Nhằm đa dạng hóa doanh thu, WeWork bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nhà ở năm 2016 với WeLive.

WeLive cung cấp dịch vụ thuê căn hộ cỡ nhỏ (studio apartment) với đầy đủ nội thất nơi mọi người có thể gia nhập các cộng đồng và được hưởng nhiều tiện nghi như Internet miễn phí, dịch vụ giúp việc đồng thời có thêm nhiều bạn mới. Một căn hộ như thế này có giá từ 3.050 USD tại New York và 1.500 USD tại Arlington, Virginia, Mỹ.

Công ty cũng đang lên kế hoạch kết hợp hệ thống trung tâm thể hình WeWork Wellness trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2017, để tránh rủi ro trong thế giới startup, WeWork bắt đầu tìm tới các công ty lớn như Amazon, Microsoft, và IBM tại các thành phố nơi những "gã khổng lồ" này có ít nhân viên. Hiện WeWork Back Bay tại thành phố Boston có 200 nhân viên của Amazon đang làm việc.

Startup này dự kiến thu về 1 tỷ USD trong năm 2017, tăng 88% so với năm trước.

"Về dài hạn, chúng tôi thấy WeLive có tiềm năng rất lớn, tương đương với WeWork", McKelvey cho biết. "Chúng tôi đã may mắn có nền tảng tốt trong lĩnh vực mà mọi người tin tưởng chúng tôi, đồng thời cực hứng thú với các sản phẩm mới". 

Tin mới lên