Tài chính

Hậu cổ phần hóa: 'Kẻ bết bát, người lên đời'

(VNF) - Những doanh nghiệp điển hình "ăn nên làm ra" sau cổ phần hoá phải kể đến Vinamilk, Vinaseed, Petrolimex, trong khi nhiều doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng bết bát hơn, lợi nhuận liên tục giảm, số nợ phải trả tăng như Tập đoàn Cao su Việt Nam...

Hậu cổ phần hóa: 'Kẻ bết bát, người lên đời'

Những doanh nghiệp điển hình "ăn nên làm ra" sau cổ phần hoá phải kể đến Vinamilk, Vinaseed, Petrolimex,...

Theo ấn phẩm " Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển" vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân công bố ngày 16/3, qua cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đã trở thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, tạo động lực và cơ chế quản lý năng động; huy động thêm nguồn vốn của xã hội vào sản xuất kinh doanh; dức cạnh tranh và khả năng hội nhập của doanh nghiệp được nâng lên.

Thực tiễn khẳng định cổ phần hóa đã trở thành giải pháp quan trọng để cơ cấu lại, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa năm 2016 cũng tiếp tục được duy trì và cải thiện so với các năm trước và so với trước khi cổ phần hóa.

Điển hình ở một số doanh nghiệp có tên tuổi như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 12/2003. Đến năm 2015, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng hơn 10 lần, nộp ngân sách tăng hơn 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần. Cụ thể doanh thu đã tăng từ 451,6 tỷ đồng (năm 2003) lên hơn 40.223 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 56 tỷ đồng lên 7.770 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 29%.

Tổng doanh thu dự kiến thực hiện cả năm 2016 của Vinamilk đạt 46.200 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ đô la Mỹ. Kết quả này vượt gần 4% so với chỉ tiêu Đại hội cổ đông giao phó và tăng gần 15% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 11.200 tỷ đồng, vượt gần 12% kế hoạch được Đại hội cổ đông giao phó và tăng gần 20% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 ước đạt 9.310 tỷ đồng, vượt gần 13% kế hoạch đại hội cổ đông giao phó và tăng gần 20% so với năm 2015.

Mức doanh thu và lợi nhuận ước tính năm 2016 của Vinamilk gấp lần lượt khoảng 12 lần và 20 lần so với năm 2004 khi doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam này cổ phần hóa.

Nhờ cổ phần hóa, Vinaseed từ doanh nghiệp "trung ương quy mô địa phương" đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Sau cổ phần hóa, Vinaseed đã có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần. Đến năm 2015, tổng tài sản của công ty là 1.557 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.002 tỷ đồng.

Năm 2016, công ty thực hiện 822 tỷ đồng doanh thu và thu về 187 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt vượt 2% kế hoạch doanh thu và 6,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2016. So với kết quả thực hiện cùng kỳ, công ty vượt 6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế vượt đến 19,4%.

Một trường hợp điển hình khác là Petrolimex, trước khi cổ phần hóa, Petrolimex lỗ 1.666 tỷ đồng (năm 2011). Sau khi cổ phần hóa đã có lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng (năm 2015), chia cổ tức cho cổ đông ngay trong năm đầu là 12,14%. Theo báo cáo tài chính quý III/2016 của tập đoàn này, tổng lợi nhuận hợp nhất  trước thuế của tập đoàn là hơn 4.000 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và bằng 160% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn khá nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với trước cổ phần hóa như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa, Nhựa Bình Minh… Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích được cổ phần hóa có nhiều dấu hiệu khả quan.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng bết bát hơn, lợi nhuận liên tục giảm, số nợ phải trả tăng như Tập đoàn Cao su Việt Nam (lợi nhuận giảm từ 11.838 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 2.200 tỷ đồng năm 2015; công nợ phải trả năm 2015 là 21.220 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 35.210 tỷ đồng).

Tin mới lên