Tài chính tiêu dùng

Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm không có lãi từ... kinh doanh bảo hiểm

(VNF) - Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm lỗ hoặc có lãi rất ít từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Vậy doanh nghiệp bảo hiểm kiếm tiền từ đâu?

Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm không có lãi từ... kinh doanh bảo hiểm

Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm không có lãi từ... kinh doanh bảo hiểm

Bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Công ty ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phác họa thông qua báo cáo ngành bảo hiểm, với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Hầu hết các doanh nghiệp không có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Theo SSI, ngành bảo hiểm Việt Nam có 2 rào cản gia nhập lớn, gồm yêu cầu về vốn (tại mọi thời điểm vốn chủ sở hữu phải lớn hơn vốn pháp định) và giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm (hiện rất khó để có được giấy phép này từ Bộ Tài chính).

Về mức độ cạnh tranh, SSI nhìn nhận rằng ngành bảo hiểm Việt Nam hiện có mức độ cạnh tranh cao, thậm chí là khốc liệt. SSI dẫn chứng, ở thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, top 10 doanh nghiệp bảo hiểm hiện sở hữu 79% thị phần, 20 doanh nghiệp còn lại chia nhau 21% thị phần. Tương tự, top 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sở hữu tới 84% thị phần. Ngoại trừ Bảo Việt là doanh nghiệp Việt Nam, thị trường bảo hiểm nhân thọ nằm trong tay các công ty 100% vốn nước ngoài với lợi thế về vốn và kinh nghiệm.

Đáng chú ý, theo thống kê từ SSI, hầu hết các doanh nghiệp không có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

SSI cho hay, tỷ lệ kết hợp (tỷ lệ bồi thường + tỷ lệ chi phí) của 7/11 doanh nghiệp bảo hiểm niểm niêm yết đều xấp xỉ hoặc lớn hơn 100%, nghĩa là hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ hoặc có lãi rất thấp trong năm 2017.

Theo SSI, thực tế tỷ lệ này có thể còn cao hơn vì một số doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện phân bổ chi phí quản lý cho hoạt động đầu tư tài chính hoặc phân bổ doanh thu tài chính cho hoạt động bảo hiểm để giảm bớt tỷ lệ chi phí kết hợp.

Vậy doanh nghiệp bảo hiểm kiếm tiền từ đâu? Câu trả lời là đầu tư tài chính. Thống kê cho thấy, lợi nhuận tài chính chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng lợi nhuận trước thuế. Một số doanh nghiệp bảo hiểm lợi nhuận tài chính còn lớn hơn lợi nhuận trước thuế.

Danh mục đầu tư của các công ty khá an toàn. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện đang nắm giữ 132.867 tỷ đồng trái phiếu chính phủ – chiếm 17% tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành và chiểm 64% tổng danh mục của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu là đầu tư tiền gửi (66% danh mục).

Bancasurance đang trở thành xu thế, nhưng kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm ưu thế

Hiện các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ khá đa dạng nhưng tập trung vào một vài nhóm chính. Theo thống kê từ SSI, 6 nghiệp vụ lớn chiếm tới gần 95% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc, trong đó bảo hiểm xe cơ giới là 32%; bảo hiểm sức khỏe chiếm 29,4%; bảo hiểm tài sản và thiệt hại chiếm 14,4% (số liệu năm 2017).

Tăng trưởng mạnh nhất là bảo hiểm sức khỏe (giai đoạn 2014-2017 là 27%, 6 tháng đầu năm 2018 là 25% so với cùng kỳ năm ngoái). Bảo hiểm xe cơ giới đã bắt đầu chững lại (giảm từ 23% năm 2015; 27% năm 2016 xuống 10% năm 2017; 6 tháng đầu năm 2018: 7,7%).

Trong khi đó, ở thị trường bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư tăng trưởng rất tốt: 41% năm 2017; 52,6% trong nửa đầu năm 2018. Trái lại, bảo hiểm hỗn hợp đang vào xu hướng giảm với mức giảm nửa đầu năm 2018 là 6,08%, so với mức tăng 20% của năm 2017.

Về kênh phân phối, SSI đánh giá bancasurance đang trở thành xu thế của ngành bảo hiểm. Bên cạnh các doanh nghiệp bảo hiểm là công ty con của các ngân hàng có sẵn lợi thế này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cũng đẩy mạnh ký các hợp đồng hợp tác độc quyền với các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo SSI, mặc dù bancasurance có ưu điểm là khả năng tiếp cận lượng khách hàng lớn trong thời gian ngắn cùng tỷ lệ bồi thường rất thấp nhưng điểm trừ là chi phí mua kênh phải thanh toán 1 lần ảnh hưởng tới biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, cộng với chi phí hỗ trợ bán hàng và khấu hao cao.

Dù đứng trước áp lực cạnh tranh lớn từ kênh bancassurance nhưng kênh đại lý hiện vẫn là kênh mang lại doanh thu chủ yếu cho các doanh nghiệp bảo hiểm (50%-90% tổng doanh thu phí gốc). Số lượng đại lý bảo hiểm vẫn liên tục tăng. 

Kênh này có ưu điểm là dịch vụ tư vấn tài chính và chăm sóc khách hàng tốt hơn, nền tảng khách hàng ổn định và mức độ trung thành cao hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là chất lượng đại lý khó quản lý, cùng với đó, khả năng tiếp cận khách hàng hạn chế hơn kênh bancassurance hoặc bán trực tuyến.

Về dài hạn, triển vọng của ngành bảo hiểm vẫn khá sáng khi chi tiêu cho bảo hiểm chỉ chiếm 2,1% tổng thu nhập/năm của người Việt Nam; trong khi các thị trường phát triển hơn trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Úc, chi tiêu cho bảo hiểm chiếm khoảng 4%, ở Nhật bản là 8,2% tổng thu nhập hàng năm.

 

Tin mới lên