Công nghệ

Hiến kế giúp start-up giữ chân người tài

PGS.TS. Lê Quân, Trưởng ban tổ chức Ngày nhân sự Việt Nam cho rằng quyền chọn mua cổ phiếu (ESOP) là giải pháp tốt hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút, giữ chân người tài.

Hiến kế giúp start-up giữ chân người tài

Hiến kế giúp start-up giữ chân người tài

Có nhiều dạng thức khởi nghiệp khác nhau trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) hay còn gọi là khởi nghiệp sáng tạo luôn được các quốc gia chú trọng bởi khả năng tạo giá trị gia tăng cao. Đây là dạng thức dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo để tạo dựng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, có giá trị lớn chỉ trong thời gian ngắn.

Phát triển dựa trên sự đổi mới sáng tạo nên start-up luôn phải coi việc thu hút và sử dụng, gắn kết nhân sự giỏi là chìa khóa thành công. Bên cạnh công nghệ thì các cộng sự giỏi cùng nhau triển khai ý tưởng công nghệ, tung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường và cạnh tranh thành công là điều bắt buộc với hầu hết start-up.

Nên áp dụng ESOP với nhân sự chủ chốt

Trong điều kiện tài chính đầu tư ban đầu còn hạn chế và bản thân giải pháp tiền lương cao chưa tạo được động lực mạnh thì giải pháp chia sẻ tương lai của doanh nghiệp thông qua Chương trình Quyền chọn mua cổ phiếu (ESOP – Employee Stock Ownership Plan) được phần lớn các start-up lựa chọn.

Tại Việt Nam, rất nhiều start-up đã sử dụng công cụ này. Ví dụ, PeaceSoft đã đưa vào Chương trình quyền chọn mua cổ phiếu để đãi ngộ nhân sự chủ chốt cùng với quá trình thu hút vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Quyền chọn mua cổ phiếu thường được áp dụng với một nhóm nhân sự chủ chốt, có ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Khi tham gia Chương trình quyền chọn mua cổ phiếu, các nhân sự chủ chốt có cơ hội được trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp, hoặc tăng số cổ phiếu của mình lên khi doanh nghiệp thành công.


PGS.TS. Lê Quân, Trưởng ban tổ chức Ngày nhân sự Việt Nam. Ảnh: NVCC.   

Trên thực tế, khi tham gia làm việc cho một start-up, nhân sự chủ chốt có niềm tin vào sự thành công của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thành công, giá trị tăng lên rất cao. Khi đó giá trị cổ phiếu mà nhân sự chủ chốt được mua cũng có giá trị tương ứng.

Cụ thể, start-up có thể cam kết với một nhân sự giỏi sẽ bán cho người đó 100.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong 5 năm tới nếu nhân sự này gắn bó và có đóng góp tốt cho doanh nghiệp. Sau này, nhân sự có quyền từ chối mua cổ phiếu nếu thấy không có lợi. Ngược lại, doanh nghiệp chỉ có quyền từ chối bán cổ phiếu cho nhân sự này nếu chứng minh được họ không hoàn thành các cam kết đã ký với doanh nghiệp.

Như vậy, tham gia vào chương trình này, nhân sự chủ chốt được thụ hưởng thành quả của doanh nghiệp và của sự nỗ lực bản thân. Với doanh nghiệp, ESOP sẽ gắn kết nhân sự chủ chốt với doanh nghiệp, hạn chế tỷ lệ nghỉ việc, tạo động lực mạnh để nhân sự chủ chốt sáng tạo và cống hiến. Bên cạnh đó, nó cũng giúp giảm được ngân sách dành cho quỹ lương trong những giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào những start-up biết sử dụng công cụ này để đãi ngộ nhân sự. Tính bền vững và động lực làm việc của nhân sự chủ chốt là yếu tố chi phối đáng kể đến thành công của start-up. Do vậy, nhà đầu tư thường yêu cầu start-up phải áp dụng chương trình này khi tiếp nhận vốn đầu tư.

Tuy nhiên, mô hình ESOP cũng có những hạn chế nhất định như chỉ có thể áp dụng đối với mô hình công ty cổ phần. Một khó khăn nữa mà các start-up phải đối mặt khi phát hành quyền chọn mua là phải đáp ứng những điều kiện nhất định về phát hành chứng khoán theo quy định của luật chứng khoán.

Cần có chính sách riêng cho nhân viên trung thành 

Ngoài mô hình ESOP, các start-up có thể giữ chân người tài bằng cách đưa ra chương trình chính sách cho nhân viên trung thành. Cụ thể, chủ doanh nghiệp có thể trả bằng cổ phần/phần vốn góp cho những sáng lập viên là người lao động có đóng góp quan trọng đối với start-up hoặc vừa trả lương và vừa trả cổ phần.

Tuy nhiên, cũng cần nhận định rằng, start-up có tính chất thử nghiệm những ý tưởng, những dự án nên tỷ lệ thất bại là rất cao. Các bên luôn luôn phải có những thỏa thuận về việc nếu công ty phá sản, giải thể hoặc một người sáng lập rút vốn ra khỏi công ty.

Khi khởi nghiệp thì tài sản mà sáng lập viên đóng góp không chỉ thể hiện qua các tài sản là giá trị vật chất mà còn cả những giá trị vô hình, những ý tưởng sáng tạo, công sức lao động... cho nên tất cả những đóng góp đó phải "định giá" được, cụ thể hóa bằng văn bản, định giá được giá trị mà người lao động đó mang lại. Thực hiện được giải pháp này là một cách để start-up giữ chân những nhân viên giỏi cống hiến nhiều hơn cho công ty.

Giữ nhân tài không chỉ là vấn đề liên quan đến trách nhiệm công việc, phân chia lợi ích ra sao mà nên thể hiện tất cả những thỏa thuận bằng những văn bản, những cam kết đúng với quy định pháp luật. Việc cụ thể hóa các thỏa thuận sẽ phần nào hạn chế những tranh chấp phát sinh trong tương lai cũng như là kim chỉ nam về hành động để đưa start-up phát triển.

PGS.TS. Lê Quân sinh năm 1974 tại Hà Nội, là phó giáo sư trẻ nhất ngành kinh tế (2009). Ông Quân được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội năm 2014, phụ trách công tác tổ chức cán bộ, thanh tra pháp chế, hợp tác quốc tế và hợp tác trong nước, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy.

Ông Quân là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021.

Tin mới lên