Tài chính quốc tế

Hồ sơ Panama tiết lộ 8 'quý tộc Đỏ' Trung Quốc

(VNF) - Theo "Hồ sơ Panama", người thân của nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc (thường được gọi là giới "quý tộc Đỏ") đã thành lập các công ty tại các thiên đường thuế để phục vụ lợi ích kinh tế của mình. Trong số này có anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình và con gái của cựu Thủ tướng Lý Bằng.

Hồ sơ Panama tiết lộ 8 'quý tộc Đỏ' Trung Quốc

Từ trái sang phải: Jamie Li và ông nội Giả Khánh Lâm, Lý Tiểu Lâm và cha - cựu Thủ tướng Lý Bằng. Ảnh: The Guardian

Theo "Hồ sơ Panama", Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 1/3 số công ty bình phong (offshore company) được tạo ra bởi công ty luật Mossack Fonseca tại các thiên đường thuế. Trong số này, có một số công ty được thành lập cho khách hàng là người thân của những quan chức quyền lực hàng đầu của Trung Quốc.

Số liệu do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 6/4 cho biết, Hồng Kông và Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Mossack Fonseca, chiếm 29% tổng số công ty "ma" được công ty này thành lập trên thế giới.

Thông tin về vụ rò rỉ này đã bị chặn khỏi mạng internet ở Trung Quốc. Hiện nay có hàng trăm bài viết trên mạng xã hội Sina Weibo và WeChat, và một số tổ chức truyền thông bao gồm cả CNN đều bị chặn tại Trung Quốc.

Ngày 5/4, khi được Bloomberg hỏi về vụ Panama Papers, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối đưa ra bình luận, thay vì nói rằng những bài viết của ICIJ là vô căn cứ.

"Hồ sơ Panama" tiết lộ rằng thân quyến giàu có của một số lãnh đạo của Trung Quốc (được gọi chung là giới "quý tộc Đỏ") đã sử dụng những thiên đường thuế ở nước ngoài để che giấu khối tài sản khổng lồ của mình. Danh sách này bao gồm ít nhất 8 chính trị gia cao cấp đương chức hoặc đã nghỉ của Trung Quốc. Tám nhân vật này này nằm trong số 140 chính trị gia trên thế giới bị cáo buộc có liên quan đến các tài sản bí mật ở nước ngoài.

Đặng Gia Quý - anh rể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 

"Hồ sơ Panama" nhắc đến ông Đặng Gia Quý - là chồng bà Tập Kiều Kiều, chị gái ông Tập Cận Bình. Theo hồ sơ này,  chị gái Tập Kiều Kiều và anh rể Đặng Gia Quý của chủ tịch Tập là cổ đông thành lập tại 2 công ty offshore tại quần đảo Virgin thuộc Anh là Wealth Ming International and Best Effect Enterprises vào năm 2009, trước khi ông Tập lên chức Chủ tịch nước. Cả hai đều tồn tại trong khoảng 18 tháng trước khi bị đóng cửa tương ứng vào tháng 4/2011 và tháng 10/2010.

Theo thông tin từ các tài liệu rò rỉ tại "Hồ sơ Panama", ông Đặng sở hữu 50% cổ phần của cả hai công ty "ma" chuyên đầu tư bất động sản này. Phần sở hữu còn lại của hai công ty đến từ hai ông trùm bất động sản Trung Quốc.

Cặp vợ chồng này đã gây dựng được một khối tài sản lớn thông qua việc đầu tư vào bất động sản và tài nguyên khoáng sản. Trong năm 2012 vợ chồng ông Đặng nắm giữ cổ phần trong các công ty với tổng số tài sản là 376 triệu USD và 18% cổ phần gián tiếp trong một công ty khoáng sản trị giá 2 tỷ USD. Kể từ ông Tập lên làm Chủ tịch Trung Quốc, ông Đặng Gia Quý và vợ đã rút khỏi nhiều vụ đầu tư.

Trong năm 2014, các trang website và một số phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc đã bị chặn trong vài tháng sau khi tiết lộ về việc nắm giữ các công ty bình phong tại nước ngoài (công ty offshore) của người thân Chủ tịch Tập. 

Lý Tiểu Lâm - con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng

Trong hồ sơ Panama còn có tên bà Lý Tiểu Lâm - con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng. Năm 1994, công ty có tên Cofic Investments Limited, thuộc sở hữu của con gái ông Lý Bằng, được thành lập tại đảo Virgin (Anh). 

Lý Tiểu Lâm - con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng. Ảnh: Getty Images

Tài sản của Lý Tiểu Lâm ước tính khoảng 550 triệu USD và được xem như mộ "nữ hoàng quyền lực " của Trung Quốc sau khi trở thành lãnh đạo một tập đoàn nhà nước. Hiện nay, bà Lý đang là Phó chủ tịch của tập đoàn điện lực quốc doanh China Datang Corporation.

Nguyên Thủ tướng Trung Quốc - Lý Bằng, cha của Lý Tiểu Lâm. Ảnh: Allstar

Theo điều tra của ICIJ, bà Lý có liên quan đến 2 công ty ở quần đảo Virgin và các tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ. Bà Lý Tiểu Lâm và chồng là người hưởng lợi từ các tài khoản ngân hàng với khối tài sản 2,48 triệu USD trong năm 2006 - 2007. 

Cháu gái Jasmine Li của ông Giả Khánh Lâm 

Cháu gái Jasmine Li của ông Giả Khánh Lâm cũng được cho sở hữu 2 công ty "ma" ở quần đảo Virgin. Các công ty này được thành lập bởi ít nhất 2 doanh nghiệp ở Bắc Kinh với số vốn đăng ký hàng trăm nghìn USD.

Jasmine Li (ở giữa) tại lễ trưởng thành của các thiếu nữ gia thế được tổ chức thường niên tại Paris, Pháp. Ảnh: Getty Images.

Jasmine Li đã bắt đầu việc học tập tại Đại học Stanford (Mỹ) khi công ty được đăng ký dưới tên của cô vào tháng năm 2010. Ông của cô là Giả Khánh Lâm, tại thời điểm đó là chính trị gia quyền lực thứ tư tại Trung Quốc.

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Giả Khánh Lâm là ông nội của Yasmin Li. Ảnh: Getty Images

Tăng Khánh Hòa - em trai ông Tăng Khánh Hồng

Những tài liệu trong vụ Hồ sơ Panama còn có tên ông Tăng Khánh Hòa - em trai ông Tăng Khánh Hồng (Phó chủ tịch Trung Quốc cho đến năm 2008) - là giám đốc một công ty Chinese Cultural Exchange Association Ltd, được đăng ký lần đầu tại hòn đảo Niue ở Nam Thái Bình Dương và sau đó chuyển sang đảo Samoa. Công ty của ông Tăng có phần hùn của Tian Chenggang, con trai của nguyên Phó thủ tướng Trung Quốc Điền Kỉ Vân. Ông Tăng Khánh Hồng là một nhân vật nổi tiếng ở Hồng Kông với tư cách là một phái viên cho Bộ Văn hóa Trung Quốc. 

Tăng Khánh Hồng, cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Các nhân vật khác

Ngoài ra, trong tài liệu Panama bị rò rỉ còn có ông Hồ Đức Hóa, con trai của cố Tổng bí thư Trung Quốc Hồ Diệu Bang. Ông Hồ Đức Hóa cũng có 1 công ty ma ở quần đảo Virgin. ICIJ nói rằng tài liệu bị rò rỉ cho thấy, con dâu của ông Lưu Vân Sơn - một chính khách cao cấp của Trung Quốc - là giám đốc kiêm cổ đông của một công ty ở Virgin (Anh).

Tài liệu Panama còn gián tiếp nhắc đến tên Bạc Hy Lai. Thông tin rò rỉ đã làm sáng tỏ thêm các công ty vỏ bọc, các giám đốc và cổ đông được dựng lên để che giấu chủ sở hữu thực sự của căn biệt thự tại nước ngoài là bà Cốc Khai Lai (vợ của Bạc Hy Lai - cựu chính trị gia Trung Quốc). Theo đó một vị kiến trúc sư người Pháp có quan hệ mật thiết với ông Bạc đã giúp vợ ông thông qua một công ty bình phong tại Virgin để chuyển tiền mua một biệt thự sang trọng tại Pháp. Thương vụ này được thực hiện bằng tiền của một doanh nhân giàu có Trung Quốc hối lộ cho gia đình Bạc Hy Lai. Ông Bạc đã bị kết án tù chung thân vì tội danh tham nhũng.

Con rể của Trương Cao Lệ - một trong bảy chính trị gia quyền lực nhất Trung Quốc cũng có tên trong hồ sơ Panama là cổ đông 3 công ty ở nước ngoài. Liên quan đến ông Lưu Vân Sơn, một chính khách cao cấp của Trung Quốc, con dâu của ông làm chủ và điều hành một công ty Trung Quốc cũng trên quần đảo Virgin.

Tin mới lên