Hồ sơ VNF

Thay đổi quan trọng về tiền lương và bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016

(VNF) - Năm 2016 là năm thực hiện thay đổi trong chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội được triển khai. Ngay từ 1/1/2016, nhiều quy định cụ thể về lĩnh vực này sẽ có hiệu lực.

Thay đổi quan trọng về tiền lương và bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016

Quy định mới về tiền lương 

1. Việc trả lương sẽ không nhất thiết diễn ra trong tháng

Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có quy định sửa đổi thời gian trả lương như sau: "Người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương".

Điểm mới của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH là việc quy định thời gian trả lương sẽ do 2 bên cùng thỏa thuận, không nhất thiết phải diễn ra ngay trong tháng làm việc. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và nhịp độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đó, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định việc trả lương phải được thực hiện ngay trong tháng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động sẽ khó thực hiện được quy định này.

Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1/1/2016.

2. Lương tối thiểu vùng tăng thêm 12,4%

Nghị định 122/2015/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động quy định, từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000 - 400.000 đồng/tháng, tương đương với mức tăng 12,4%. Cụ thể, 4 vùng sẽ có mức lương mới như sau: Vùng I: Mức 3.500.000 đồng/tháng; Vùng II: Mức 3.100.000 đồng/tháng; Vùng III: Mức 2.700.000 đồng/tháng; Vùng IV: Mức 2.400.000 đồng/tháng.

Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.

Ngoài ra, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ; làm việc vào ban đêm; làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Quy định  mới về bảo hiểm xã hội (BHXH)

1.  Mức đóng BHXH sẽ tính trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động.

Đây là thay đổi quan trọng nhất trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Hiện tại, người lao động đóng BHXH bắt buộc trên nền tiền lương cơ bản. Đối với người hưởng lương từ ngân sách là lương cơ sở nhân với hệ số. Với lao động trong doanh nghiệp là mức lương thỏa thuận với chủ sử dụng ghi trong hợp đồng nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Trong nội dung của Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động, có ghi: "Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động".

Theo quy định, người lao động đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng, tổng cộng 26% đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định trên, mức lương sẽ quy định rõ ràng bao gồm cả các khoản phụ cấp khác. Quy định này giúp người lao động có thêm nhiều quyền lợi khi hưởng lương hưu cũng như các chế độ tai nạn lao động, thai sản…

Ngoài ra, từ 1/1/2018 trở đi, BHXH được đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

2. Muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng thêm 5 năm BHXH

Từ 1/1/2016, Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Theo Điều 56, Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2018, đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức lương tính nộp BHXH. Từ năm đóng thứ 16 trở đi, mỗi năm cộng thêm 2%. Như vậy, lao động nữ phải mất 30 năm đóng bảo hiểm (thay vì 25 năm như luật hiện nay) để được hưởng lưu hưu mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH.

Với nam, từ năm 2018, phải đóng 16 năm mới được hưởng lương hưu bằng 45% lương tính đóng BHXH; từ năm 2019 là 17 năm; 2020 là 18 năm; 2021 là 19 năm, và tới năm 2022 là 20 năm. Như vậy, từ năm 2022, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay) mới được hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH.

Như vậy, tới tuổi nghỉ hưu, để được hưởng 75% lương, người lao động phải tham gia BHXH liên tục từ năm 25 tuổi (thay vì mốc tính bình quân từ 30 tuổi như hiện nay). Nếu không, để được hưởng mức lương tối đa 75%, người lao động phải đi làm và đóng bảo hiểm thêm tuổi (dù đã tới tuổi hưu) tùy vào số năm đóng bảo hiểm còn thiếu; hoặc đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu. Ví dụ, nếu 30 tuổi mới tham gia BHXH, người lao động phải làm việc và đóng bảo hiểm thêm 5 năm dù đã tới tuổi hưu, tới lúc đủ điều kiện hưởng mức 75% lương thì lao động nữ đã 60 tuổi và nam đã 65 tuổi. Nếu không, người lao động phải chấp nhận hưởng lương dưới mức tối đa (mỗi năm còn thiếu sẽ bị trừ lương 2%.

3. Người lao động đi xuất khẩu lao động phải tham gia BHXH bắt buộc.

Kể từ ngày 1/1/2016, khoảng 80.000- 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm sẽ phải đóng BHXH bắt buộc. Đây là một trong những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi.

Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc với các quy định về một số chế độ của BHXH bắt buộc, nêu rõ người lao động được quy định tại Luật "Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" phải tham gia BHXH bắt buộc.

Theo Nghị định này, đối tượng áp dụng thuộc các nhóm gồm hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghê; và hợp đồng cá nhân.

Như vậy, bất kể lao động Việt Nam có đóng hay không đóng BHXH trước đó khi rời khỏi Việt Nam đều phải đóng BHXH bắt buộc.

Theo quy định của Nghị định 115/2015/NĐ-CP, những đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc được chia làm hai nhóm. Nhóm trước đó đã tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% trên mức đóng tiền lương tháng trước khi họ nghỉ việc đi làm việc ở nước ngoài. Đối với trường hợp chưa tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% của hai lần mức lương cơ sở.

Tin mới lên