Thị trường

Hôm nay chính thức ra mắt Cộng động kinh tế Asean - AEC

(VNF) - Ngày hôm nay (31/12), Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được ra mắt khi bản tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN được ký kết bởi 10 lãnh đạo của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có hiệu lực.

Hôm nay chính thức ra mắt Cộng động kinh tế Asean - AEC

Ngày 31/12, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố, Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN) đã chính chức được thành lập, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN.

Ông nhấn mạnh, điều này sẽ hỗ trợ tăng cường hơn nữa việc xây dựng cộng đồng và tiến trình hội nhập khu vực, cũng như thực hiện các cam kết theo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng tiến lên phía trước.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, cùng với Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng văn hóa - xã hội. 

Cộng đồng ASEAN có 10 nước thành viên: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trong đó 3 quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung để thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động trong khối.

Hiện ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với tổng GDP khoảng 2,4 nghìn tỷ USD. GDP của nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng từ 2,6 nghìn tỷ USD lên 4,7 nghìn tỷ USD vào năm 2020 và rất có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. 

Các cam kết hiện tại gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 2009; Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) 1995; Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) 2009; Các FTA ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...

Theo Hiệp định ưu đãi thuế quan ATIGA, các nước ASEAN-6 (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines) đã xóa bỏ gần 100% dòng thuế từ năm 2010.

Mức độ cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN là cao nhất với tỷ lệ cam kết đến năm 2015, khoảng 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7%, dòng thuế còn lại sẽ có mức thuế suất 0% vào thời điểm 1/1/2018, ngoại trừ một số ít mặt hàng nông sản, một số mặt hàng trong trong nhóm ô tô và xăng dầu.

Về xuất khẩu, ASEAN hiện là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và liên minh châu Âu, với các mặt hàng chủ yếu gồm gạo, dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su, máy vi tính và các sản phẩm điện tử, sắt thép...

Ở chiều ngược lại, đây là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong nhiều năm qua, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như xăng dầu các loại, máy móc thiết bị, hàng gia dụng, hóa chất, chất dẻo.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Nikkei, Surin Pitsuwan, cựu tổng thư ký của ASEAN cho biết, các rào cản phi thuế quan và thương mại nội vùng vẫn còn chậm phát triển là một trong những thách thức phải vượt qua. Ông tin rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương sẽ bổ sung cho AEC.

Tin mới lên