Ngân hàng

Hơn 600.000 tỷ tín dụng cần được giải ngân trong 4 tháng cuối năm

(VNF) – Theo SSI, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 8 tháng mới đạt một nửa chỉ tiêu mới là 21-22%, áp lực sẽ dồn lên 4 tháng cuối năm với hơn 600 nghìn tỷ tín dụng cần được giải ngân.

Hơn 600.000 tỷ tín dụng cần được giải ngân trong 4 tháng cuối năm

Hơn 600 nghìn tỷ tín dụng cần giải ngân trong 4 tháng cuối năm 2017

Bơm hơn 600 nghìn tỷ tín dụng trong 4 tháng cuối năm

Theo bản tin tiền tệ tuần từ 28/8 – 1/9 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thanh khoản hệ thống ngân hàng duy trì ổn định. Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trong tuần qua nhưng vẫn giữ ở mặt bằng thấp.

Cụ thể, lãi suất qua đêm tăng 12 điểm% lên 0,77%, lãi suất 1 tuần tăng 7 điểm% lên 0,95%, lãi suất 1 tháng tăng 1 điểm% lên 1,73%, trong khi lãi suất 3 tháng giảm nhẹ -1 điểm% xuống 3,24%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành thêm 23 nghìn tỷ tín phiếu, với 21 nghìn tỷ tín phiếu đáo hạn, NHNN đã hút ròng khỏi hệ thống 2 nghìn tỷ. Lãi suất tín phiếu giảm nhẹ 1 điểm% xuống 0,34%.

Theo công bố tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, tính tới ngày 21/8, tín dụng đã tăng 10,06%. Còn theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), tăng trưởng tín dụng tới hết tháng 8 đạt 11,5%. Cả hai con số này đều cho thấy rằng tín dụng đã tăng chậm lại rất nhiều so với đầu năm.

UBGSTCQG cũng cho biết tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 160 nghìn tỷ vào cuối tháng 8, tăng 68% so với hồi đầu năm.

Cộng hưởng từ hai yếu tố này, trạng thái thanh khoản ổn định tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 8 tháng mới đạt một nửa chỉ tiêu mới là 21-22%, áp lực sẽ dồn lên 4 tháng cuối năm với hơn 600 nghìn tỷ tín dụng cần được giải ngân. Bên cạnh đó, lạm phát đang có xu hướng nhích tăng cũng sẽ gây áp lực không nhỏ lên định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng.

Phát hành TPCP vẫn khó khăn

Phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn chưa có nhiều cải thiện. Trong tuần qua, KBNN đã gọi thầu thêm 2000 tỷ trái phiếu chia đều cho 4 kỳ hạn 5, 7, 10 và 15 năm. Cầu trái phiếu tăng nhẹ với tổng giá trị đăng ký đạt 5.520 tỷ, tuy nhiên KBNN chỉ phát hành được 200 tỷ kỳ hạn 10 năm với lãi suất giữ nguyên ở 5,38%.

Sau nhiều tuần đấu thầu rất chậm, các thành viên thị trường bắt đầu hạ lãi suất kỳ vọng, lãi suất thấp nhất với các kỳ hạn 7, 10 và 15 năm đều hạ từ 5 – 20điểm%, lãi suất cao nhất với kỳ hạn 5 năm cũng giảm 10 điểm%. Tuy nhiên, trong bối cảnh giải ngân vốn trái phiếu chậm, gánh nặng trả lãi lớn khiến KBNN không có áp lực nâng lãi suất để phát hành trái phiếu.

Trong tháng 8, KBNN chỉ phát hành được 3.179 tỷ trái phiếu, nâng tổng khối lượng trái phiếu phát hành từ đầu năm lên 204,7 nghìn tỷ, hoàn thành 84,1% kế hoạch cả năm.

Lợi tức trái phiếu ngừng tăng, khối ngoại mua ròng 900 tỷ trái phiếu

SSI nhìn nhận, nhịp độ giao dịch trên thị trường thứ cấp vẫn khá sôi động. Tổng giá trị giao dịch cả tuần giảm nhẹ nhưng vẫn cao ở mức 48,4 nghìn tỷ, tương đương 9,7 nghìn tỷ/phiên. Lợi tức trái phiếu đã chững lại và giảm nhẹ vào cuối tuần. Các kỳ hạn dưới 5 năm đều giảm từ 1 – 12 điểm%, các kỳ hạn dài từ 7 năm chỉ tăng nhẹ từ 1 – 3 điểm%.

Khối ngoại mua ròng trở lại sau 2 tuần bán ròng liên tiếp. Giá trị mua ròng đạt 902 tỷ đồng.

USD tăng nhẹ bất chấp biến động địa chính trị, giá vàng lên cao nhất 11 tháng

Theo SSI, những bất ổn chính trị liên quan tới bán đảo Triều Tiên tiếp tục gây áp lực lên thị trường ngoại hối. Chỉ số DXY đo lường giá trị của đồng USD đã có phiên giảm xuống 92,2 điểm là mức thấp nhất trong 31 tháng. Tuy nhiên tới cuối tuần, USD phục hồi nhẹ trở lại tăng 0,08% so với cuối tuần trước lên 92,81 điểm. Tính từ đầu năm DXY đã giảm gần 10%.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD gần như đứng yên. Tỷ giá giao dịch giữ ở 22.695/22.765 đồng trên thị trường ngân hàng và 22.730/22.760 đồng trên thị trường tự do. Hầu hết các ngoại tệ đều đã tăng mạnh so với VND kể từ đầu năm, trong đó EUR/VND tăng 13,2%, KRW/VND tăng 7,1%, JPY/VND tăng 6,4%.

Phản ứng với những rủi ro chính trị gia tăng, giá vàng với vai trò tài sản trú ẩn đã tăng mạnh. Giá vàng thế giới có lúc tăng 2,33% lên 1.321 USD/ounce, mức cao nhất trong 11 tháng. Giá vàng tại thị trường trong nước tăng khiêm tốn hơn, tăng 0,6% giao dịch ở 36,54/36,60 triệu đồng/lượng. Do đó, chênh lệch giá vàng có thời điểm giảm mạnh xuống chỉ còn 0,25 triệu đồng/lượng (0,7%).

Tin mới lên