Tiêu điểm

Hơn 69 triệu cử tri sẽ tham gia bầu cử trên toàn quốc

(VNF) - Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Tổng số Tổ bầu cử trong cả nước tính đến chiều 20/5 là 91.476 tổ với tổng số cử tri cả nước là 69.265.810 người. Các Tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri.

Hơn 69 triệu cử tri sẽ tham gia bầu cử trên toàn quốc

Về việc một số địa phương tiến hành bỏ phiếu sớm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, đối với những khu vực bỏ phiếu ở các xã ven biển, hải đảo, địa bàn đi lại khó khăn, những nơi có người dân, cán bộ, nhân viên các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển trong ngày bầu cử, các địa phương rà soát và đề nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia cho phép thực hiện bầu cử trước ngày 22/5.

Theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực trên các tỉnh này tiến hành bỏ phiếu sớm. Tính đến ngày 20/5, trên cả nước đã có một số khu vực bỏ phiếu thuộc các tỉnh: Bà Rịa- Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm trước ngày bầu cử đã được ấn định.

Về công tác bầu cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia cho hay, các Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu (từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối) bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.

Ngay sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử Quốc hội, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố gửi Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội kèm theo danh sách những người trúng cử và các loại tài liệu khác có liên quan gửi về Hội đồng bầu cử Quốc gia để lập biên bản tổng kết và công bố danh sach những người trúng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước (chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử). Chậm nhất là ngày 1/6 sẽ công bố kết quả bầu cử.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết việc đi bỏ phiếu hộ là không đúng pháp luật nhưng tùy theo mức mà có hình thức xử lý. Bỏ phiếu là quyền và trách nhiệm của công dân, vì cử tri đi bầu là phản ánh đúng ý trí, nguyện vọng của chính cử tri đó.

Đối với những trường hợp sai tên, họ trong thẻ cử tri, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, từ nay tới ngày bầu, cử cử tri có thể mang thẻ tới nơi đăng ký bầu cử để đổi lại tên, họ, đệm cho đúng với tên mình.

Ngoài ra, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết: "870 ứng cử viên đại biểu Quốc hội đã được lựa chọn chặt chẽ qua các vòng, nhưng Quốc hội mang tính chất đại diện nên phải tính đến cơ cấu, thành phần giới, dân tộc. Vì vậy, chúng ta không thể đòi hỏi tất các ứng cử viên có trình độ ngang nhau, còn ai sẽ được chọn là do quyền lựa chọn của cử tri, uy tín của họ đối với cử tri".

Tin mới lên