Tài chính

HPG ảnh hưởng thế nào sau khi Mỹ chính thức áp thuế thép nhập khẩu?

(VNF) – Ngày 8/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh công bố mức thuế áp lên toàn bộ mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, trong đó đối với sản phẩm thép là 25%, nhôm là 10%.

HPG ảnh hưởng thế nào sau khi Mỹ chính thức áp thuế thép nhập khẩu?

Hòa Phát sẽ ít chịu ảnh hưởng trước chính sách thuế mới của Mỹ

Trước tình hình đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ bị tác động xấu khi mất đi sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Vậy chính xác đạo luật này sẽ ảnh hưởng đến thép Hòa Phát như thế nào?

Về ảnh hưởng trực tiếp, theo số liệu cuối năm 2017, HPG xuất khẩu 150.000 tấn thép sang Mỹ, tức là chỉ chiếm 7,5% sản lượng tiêu thụ một năm của HPG. Quan trọng hơn, không phải duy nhất thị trường Mỹ là thị trường màu mỡ trên con đường xuất khẩu của thép Hòa Phát. Theo báo cáo của công ty, chất lượng thép Hòa Phát đã đủ điều kiện để xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Úc…

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan ngại đạo luật này sẽ gián tiếp tạo cơ hội cho thép Trung Quốc tấn công vào thị trường Việt Nam thay vì xuất khẩu sang Mỹ như trước. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Quản lý Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện chỉ đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu thép sang Mỹ

Sản lượng thép Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm dao động trong khoảng 700.000 – 750.000 tấn, tương đương 2% lượng thép nhập khẩu vào thị trường này.

Vậy liệu khoảng 700.000 – 750.000 tấn thép Trung Quốc có thể làm thay đổi thị phần các doanh nghiệp thép tại Việt Nam?

Cần phải lưu ý rằng, trong năm 2015, số lượng doanh nghiệp sản xuất thép tại Trung Quốc đã đạt con số kỷ lục, dẫn đến việc nguồn cung thép bị dư thừa trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã phải bán phá giá số lượng thép dư thừa, khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ thép năm đó.

Chính sách đó làm cho ngành thép Trung Quốc gánh chịu nhiều hậu quả hơn dự tính với số lượng doanh nghiệp sản xuất thép thua lỗ đạt kỷ lục. Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc đã phải thực hiện chính lược cải tổ ngành thép, trong giai đoạn 2016-2020, trong đó cam kết giảm 100 – 150 triệu tấn thép/năm (khoảng 18% công suất hiện tại của Trung Quốc).

Theo báo cáo tháng 2 của Reuters, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đạt được con số mục tiêu trong năm nay, tức là sớm hơn so với dự kiến hai năm. Vậy nên, số lượng thép xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng đã được Trung Quốc tính đến trong chiến lược cải tổ ngành thép của mình.

Ngoài ra, hiện nay triển vọng ngành thép của Việt Nam nói chung hay HPG nói riêng cũng rất khả quan. Nhờ cải thiện hệ thống máy móc và chính sách quản trị rủi ro biến động giá phù hợp, công ty đã có lợi thế cạnh tranh nhất định về giá thép so với thép nhập khẩu Trung Quốc.

Do vậy, trước chính sách áp thuế lên mặt hàng thép nhập khẩu của chính phủ Mỹ, Hòa Phát sẽ ít chịu ảnh hưởng trong ngắn và trung hạn.

Tin mới lên