Tài chính

IMF: Fed tăng lãi suất có thể tác động lan truyền tới Việt Nam

(VNF) - Phát biểu tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VPDF) diễn ra tại Hà Nội ngày 5/12, đại điện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF nhận định, việc cải cách khu vực tài chính của Việt Nam nên tiếp tục được ưu tiên hàng đầu.

IMF: Fed tăng lãi suất có thể tác động lan truyền tới Việt Nam

Ông Jonathan Dumn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam

Tại diễn đàn Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VPDF) 2015, ông Jonathan Dumn, Trưởng đại diễn Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết thâm hụt ngân sách cao và nợ công của Việt Nam đang tăng lên.

Thâm hụt ngân sách vẫn còn lớn do thu ngân sách đã giảm đáng kể trong khi chi thường xuyên tăng lên. Chi xây dựng cơ bản đã giảm để kiềm chế thâm hụt ngân sách, tuy nhiên, "điều này có nguy cơ làm suy yếu tiền năng tăng trưởng trung hạn". "Với thâm hụt ngân sách lớn, nợ công và nợ chính phủ bảo lãnh đã tăng mạnh trong những năm gần đây", ông Jonathan Dumn nói.

Trong lĩnh vực cải cách khu vực ngân hàng, Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2013 và đã hấp thu đáng kể các khoản nợ xấu từ bảng cân đối của các ngân hàng. Tuy nhiên việc giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm do những trở ngại về pháp lý và các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu bán cho VAMC trong khoảng thời gian từ 5-10 năm, đại diện IMF cho biết. 

Đại diện IMF cũng nhận định rằng, triển vọng phát triển toàn cầu và khu vực trong bối cảnh hiện nay là không chắc chắn. Triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn nhiều trở ngại, giá dầu và hàng hóa thấp sẽ ảnh hưởng bất lợi tới thu ngân sách và triển vọng tăng trưởng trong một số khu vực nhất định.

Đặc biệt, đại diện IMF nhấn mạnh: "Khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể tăng tính bất ổn cho thị trường tài chính toàn cầu và tăng khả năng tác động lan truyền tới nền kinh tế Việt Nam".

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, đại diện IMF cũng đưa ra các khuyến nghị và cho rằng việc duy trì tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và chính sách tiền tệ tập trung nhiều hơn vào duy trì lạm phát thấp và ổn định, cùng với củng cố tài khóa hỗ trợ tăng trưởng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định và đảm bảo sự bền vững tài khóa khi phải đối mặt với những cú sốc từ bên ngoài.

Ông Jonathan Dumn cho hay việc cải cách khu vực tài chính tại Việt Nam vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. "Cần tăng cường nỗ lực cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và tái cấp vốn cho các ngân hàng với nguồn lực từ các cổ đông mới hoặc hiện tại. VAMC nên có các nguồn lực và nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết để nhanh chóng xử lý các khoản nợ xấu và bán tài sản thế chấp", ông nói.

"Bằng cách này, các doanh nghiệp nhà nước sẽ giải phóng nguồn lực cho các ngành hoạt động hiệu quả và cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Những cải cách vĩ mô là rất cần thiết để tăng năng suất này của Việt Nam đang giảm trong những năm gần đây và để phát triển các ngành trong nước phát triển mạnh mẽ, nhằm tận dụng triệt để các cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác mang lại", đại diện IMF nhận định.

Tin mới lên