Tài chính

IPO Vinafood II: Lượng đặt mua vượt nhẹ lượng chào bán

(VNF) – Đã có 41 nhà đầu tư đăng ký mua 115.603.300 cổ phần của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), trong khi lượng chào bán là 114.831.000 cổ phần. Phiên đấu giá sẽ diễn ra lúc 9h ngày 14/3 tới.

IPO Vinafood II: Lượng đặt mua vượt nhẹ lượng chào bán

IPO Vinafood II sẽ thành công nhờ sức hút từ bầu Hiển?

Như vậy, lượng cổ phần đăng ký đã vượt nhẹ so với lượng chào bán. Kết quả này trái ngược với một số nhận định ban đầu rằng cổ phần của Vinafood II kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư do kinh doanh thua lỗ cùng những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành của doanh nghiệp này.

Giá khởi điểm mà Vinafood II đưa ra là 10.100 đồng/ cổ phần.

Trong tổng số 41 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá có 31 cá nhân trong nước, 9 cá nhân nước ngoài và 1 tổ chức trong nước. Cá nhân trong nước đăng ký mua 115.096.500 cổ phần, cá nhân nước ngoài đăng ký mua 6.800 cổ phần, còn tổ chức trong nước đăng ký mua 500.000 cổ phần. Dự kiến, Vinafood II sẽ thu về gần 1.160 tỷ đồng sau IPO.

Vinafood II là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tiền thân của công ty này là Tổng Công ty Lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976. Hiện, Vinafood II có 14 đơn vị thuộc khối mẹ và một đơn vị Văn phòng Tổng Công ty, 12 công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết, với gần 2.600 cán bộ, công nhân viên.

Cuối năm 2016, Kiểm toán nhà nước xác định giá trị của công ty mẹ Vinafood II là 14.610 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 5.380 tỷ đồng. Theo kế hoạch cổ phần hóa, Vinafood II sẽ có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm chi phối với 255 triệu cổ phần, tương ứng 51% vốn điều lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinafood II.

Tháng 6 năm 2017, Báo cáo kết quả kinh doanh của Vinafood II cho thấy công ty này lỗ 118 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm đó, tình hình nợ vay của Vinafood II có dấu hiệu tiêu cực. Tại thời điểm kết thúc ngày 30/6/2017, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vinafood II là 3.855 tỷ đồng, gần tương đương vốn chủ sở hữu (3.885 tỷ đồng).

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ IPO của Vinafood II vẫn hút khách vì hồi tháng 2/2018, đã có thông tin về việc Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ứng cử viên duy nhất cho vị trí cổ đông chiến lược của Tổng công ty. Theo kế hoạch cổ phần hóa, cổ đông chiến lược sẽ sở hữu 125 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn điều lệ của Vinafood II. Ước tính theo giá khởi điểm, tập đoàn của bầu Hiển sẽ bỏ ra khoảng 1.262 tỷ đồng cho thương vụ này.

Hàng loạt động thái gần đây cho thấy Tập đoàn T&T có tham vọng lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp.

Ngày 22/1/2018, T&T đã chính thức ra mắt thương hiệu nông nghiệp T.Vita. Dự kiến diện tích sản xuất năm 2018 của T.Vita đạt 1.000 ha. Ngoài ra thương hiệu nông sản an toàn được sản xuất theo công nghệ cao này còn liên kết với 500 hộ sản xuất ở Tây Bắc, Lâm Đồng và đồng bằng sông Hồng. Tập đoàn T&T hướng tới tổ chức vận hành sản xuất và phân phối theo chuỗi khép kín, tích hợp công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị nông sản Việt.

Ngoài Vinafood II, T&T còn rót tiền vào một loạt công ty trong lĩnh vực nông nghiệp như Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Rau quả, nông sản , Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội.

Doanh thu xuất khẩu nông sản của T&T lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nếu trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II, T&T phải cam kết cùng Vinafood II thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện liên kết với nông dân tạo thành chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo.

Mục tiêu của Vinafood II trong năm đầu tiên sau cổ phần hóa là doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 11.890 tỷ đồng và 118 tỷ đồng. Thay vì tăng trưởng về số lượng, công ty sẽ tập trung nguồn lực thay đổi cơ cấu xuất khẩu gạo theo hướng giảm tỷ lệ gạo trắng thông thường, cho ra đời các dòng sản phẩm gạo thuần chủng, gạo dinh dưỡng…nhằm thâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.

Tin mới lên