Tài chính

IPO Vinalines sẽ diễn ra trong tháng 8/2018

(VNF) - Thời gian Vinalines phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ vào tháng 8/2018 và đại hội đồng cổ đông lần đầu dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2018.

IPO Vinalines sẽ diễn ra trong tháng 8/2018

Vinalines sẽ IPO trong tháng 8/2018

Theo thông tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho hay, phương án mới nhất được xây dựng theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định 126). Hình thức cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines sẽ là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

“Sau khi cổ phần hóa thành công, Vinalines sẽ có vốn điều lệ hơn 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn Nhà nước hơn 11.946 tỷ đồng. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tổng số lượng cổ phần phát hành lần đầu của Vinalines là 1.404.605.800 cổ phần”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết thêm.

Thời gian phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ vào tháng 8/2018 và đại hội đồng cổ đông lần đầu dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2018.

Tính đến quý I/2018, ngoài việc sở hữu đội tàu biển gồm 92 chiếc, với tổng trọng tải 1,8 triệu DWT, Vinalines đang có vốn góp tại 14 doanh nghiệp cảng biển, khai thác 67 cầu cảng với tổng chiều dài 11.885m, chiếm 27% số cầu cảng và 20% tổng chiều dài cảng biển cả nước.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 đã kiểm toán, Vinalines ghi nhận doanh thu thuần 1.456 tỷ đồng trong năm qua, tăng 6,8% so với năm 2016. Tuy nhiên, giá vốn tiếp tục vượt doanh thu khiến Vinalines lỗ gộp 360 tỷ đồng trong năm 2017, vẫn cải thiện hơn so với mức lỗ gộp 1.321 tỷ đồng của năm 2016.

Vinalines đồng thời ghi nhận 272 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 44% so với năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính đạt 470 tỷ đồng, tăng 5,4%; chi phí bán hàng đạt 27,6 tỷ đồng, giảm 13%; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 204 tỷ đồng, tương đương năm 2016.

Tựu chung, Vinalines lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 791 tỷ đồng trong năm 2017, bằng hơn một nửa số lỗ thuần 1.517 tỷ đồng của năm 2016.

Mặc dù lỗ nặng từ hoạt động kinh doanh nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Vinalines lại đạt mức khá cao 305 tỷ đồng. Nguyên nhân là do năm qua, tổng công ty này ghi nhận khoản thu nhập khác lên đến 1.377 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí khác chỉ 280 tỷ đồng, Vinalines ghi nhận lợi nhuận khác lên đến 1.096 tỷ đồng.

Nhiều khả năng, khoản thu nhập khác trên là đến từ hoàn nhập dự phòng và hoạt động bán nợ, tương tự như năm 2016.

Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản của Vinalines đạt 16.384 tỷ đồng, giảm 9,5% sau một năm. Phần lớn tài sản của Vinalines tập trung ở các khoản đầu tư tài chính dài hạn (9.250 tỷ đồng), tài sản cố định (3.726 tỷ đồng), tiền và các khoản tương đương tiền (837 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 31/12/2017 của Vinalines ở mức 12.469 tỷ đồng, tăng 4,4% sau một năm. Nợ phải trả ở mức 3.915 tỷ đồng, giảm 36%.

Tin mới lên