Tài chính quốc tế

Israel ‘phấn khởi’ nhận gói viện trợ quân sự 38 tỷ USD từ Mỹ

(VNF) - Gói viện trợ quân sự trị giá lên tới 38 tỷ USD của Mỹ dành cho Israel đã chính thức được kích hoạt vào ngày 1/10. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đánh giá cao gói viện trợ này, cho rằng đây là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ bền vững giữa hai quốc gia.

Israel ‘phấn khởi’ nhận gói viện trợ quân sự 38 tỷ USD từ Mỹ

Máy bay tiêm kích tàng hình F-35 được Mỹ cung cấp cho Israel.

Ngày 14/9/2016, Israel và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng đặt bút ký thỏa thuận viện trợ quân sự trị giá lên đến 38 tỷ USD.

Đây được đánh giá là gói viện trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử mà Washington dành cho một quốc gia đồng minh. Thỏa thuận này sẽ bắt đầu từ tháng 10 năm nay và kéo dài trong vòng 10 năm, từ năm 2019 đến năm 2028.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết gói viện trợ nhằm mục tiêu bảo vệ Israel chống lại “tất cả các đối thủ tiềm tàng trong khu vực”, nhưng chủ yếu là chống lại cáo buộc “chính phủ Iran tài trợ cho các nhóm khủng bố”.

“Israel và thế giới đang đối mặt với những thách thức về mặt an ninh, chủ yếu từ sự hiếu chiến của Iran. Sự ủng hộ kiên định của Mỹ với quyền tự vệ của Israel là một trong những trụ cột của mối quan hệ ngoại giao bền vững giữa 2 quốc gia”, ông Netanyahu viết trên mạng xã hội Twitter ngày 3/10.

Theo thỏa thuận, Washington sẽ viện trợ quân sự cho Israel 3,3 tỷ USD mỗi năm. Mỹ đã thông qua việc chuyển các đạn dược dẫn dường chính xác từ kho dự trữ tới Israel nhằm giúp nhà nước Do Thái phản ứng kịp thời với mối đe dọa từ tên lửa. Đạo luật cũng đồng thời cho phép mở rộng kho vũ khí của Mỹ tại Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Thêm vào đó, Mỹ sẽ dành khoản viện trợ khoảng 500 triệu USD cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa “mái vòm sắt” của Israel.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng cho phép Israel trở thành quốc gia đồng minh đầu tiên được Mỹ cung cấp máy bay tiêm kích tàng hình hiện đại nhất F-35 với tổng số lượng 33 chiếc, trong đó 2 chiếc đầu tiên đã được giao trong tháng 12/2016.

Có thể nói rằng quan hệ Israel-Mỹ là một quan hệ song phương đặc biệt có một không hai trong chính trường quốc tế.

Israel là quốc gia nhận nhiều viện trợ kinh tế quân sự nhất từ Mỹ. Trung bình mỗi năm Mỹ viện trợ trực tiếp cho Israel chừng hơn 3 tỷ USD. Đặc biệt hơn nữa là trong khi các quốc gia khác nhận viện trợ theo từng quý một thì Israel lại được nhận trọn gói theo năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ cần Israel để kiềm chế một số quốc gia mà Mỹ “không ưa” tại khu vực Trung Đông như Iran, Syria hay Lebanon, tiếp đến tạo thế đối đầu với liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vừa mới hình thành sau những diễn biến mới trên chiến trường Syria.

Xem thêm >> New Zealand: Tranh cãi quanh quy định yêu cầu khách du lịch cung cấp mật khẩu điện thoại

Tin mới lên