Tài chính quốc tế

Khó làm ăn, giới tài phiệt Nga bán tháo tài sản ra nước ngoài định cư

(VNF) – Trong bối cảnh phải liên tiếp hứng chịu những lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, giới tài phiệt Nga đang có xu thế bán tháo bất động sản để chuyển hẳn sang nước ngoài sinh sống. Họ hướng tới những quốc gia "dễ thở" hơn như Cyprus, Malta, Anh và Thụy Sĩ.

Khó làm ăn, giới tài phiệt Nga bán tháo tài sản ra nước ngoài định cư

Giới tài phiệt Nga đang có xu thế bán tháo bất động sản để chuyển hẳn sang nước ngoài sinh sống.

Theo khảo sát mới đây của Kalinka Group, giới tài phiệt Nga đang có xu thế bán tháo bất động sản cao cấp ở Nga và đáng chú ý là hơn 30% làm điều đó với mục đích ra nước ngoài sinh sống.

"Phân tích hoạt động của các chủ sở hữu bất động sản cao cấp, chúng tôi ghi nhận triệu phú Nga đang tích cực rời quê hương. Đa số viện dẫn lý do kinh tế và chính trị bất ổn. Nhiều người thừa nhận Nga ngày càng trở nên khó làm ăn", bà Ekatherina Rumyantseva, chủ tịch hội đồng giám đốc Kalinka Group, chia sẻ.

Báo cáo The Wealth Report 2018 của Hãng tư vấn tài chính Knight Frank (Anh) ghi nhận có đến 58% tầng lớp siêu giàu Nga (tài sản trên 50 triệu USD) đã sở hữu quốc tịch thứ hai; 45% cân nhắc khả năng chuyển hẳn ra nước ngoài sinh sống.

Xu thế này đã manh nha từ năm 2014 và gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga vào năm 2014 do những cáo buộc có liên quan đến xung đột ở Ukraine cũng như bán đảo Crimiea. Từ đó đến nay, các nước trên đã nhiều lần kéo dài lệnh này.

Sau thời gian chịu lệnh trừng phạt, kinh tế Nga trở nên chật vật với giá dầu giảm, lạm phát cao và một đồng tiền xuống giá khiến dòng vốn chảy khỏi đất nước.

Các khu vực công nghiệp Nga, từ thép đến khai thác mỏ, đã đi tiên phong trong việc bán cổ phiếu khi đồng Rúp sụt giảm giá trị. Thực tế, giá trị tài sản giảm mạnh trên khắp thế giới là nỗi đau đặc biệt đối với giới nhà giàu Nga.

Căn cứ vào tình hình bất ổn ở Nga, nhiều nhà tài phiệt nước này đã chọn phương án đưa tiền bạc của họ ra nước ngoài.

Từ đó, giới nhà giàu Nga mới nổi đối mặt thực tế giàu có nhưng thu nhập thấp, những ngôi nhà sang trọng không tạo ra tiền, trong khi khối tài sản như du thuyền, máy bay riêng, trực thăng riêng và các CLB bóng đá tốn phí hàng triệu USD mỗi năm.

Đối với một tỷ phú Nga trung bình, tình hình còn tệ hại hơn khi tiền tệ nước này mất giá thảm hại, họ phải chi tiêu bằng USD và bảng Anh. Trong khi đó, cổ tức từ những cổ phần ở các công ty Nga sụt giảm do đồng Rúp giảm giá trị.

Kinh tế Nga cũng chịu tổn thương bởi đợt vốn thoái vì nhiều người Nga chuyển tiền ra nước ngoài và đổi đồng Rúp Nga để lấy Euro cùng USD nhằm bảo vệ tài sản.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ ngày 6/4 thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 38 cá nhân và thực thể của Nga.

Những đối tượng này bị cáo buộc tham gia vào "các cuộc tấn công mà nước này cho là của Nga nhằm phá hoại các nền dân chủ phương Tây". Đây được xem là loạt biện pháp trừng phạt nặng nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Nga.

Trong danh sách trừng phạt lần này có 7 nhân vật được xem là khá gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng 12 công ty mà những người sở hữu hoặc kiểm soát cũng nằm trong danh sách chịu các biện pháp trừng phạt. Ngoài ra còn có một loạt nhân vật chính trị có ảnh hưởng tại nước này như Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí nhà nước Gazprom Alexei Miller, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov hay Tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrouchev.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, Mỹ triển khai những biện pháp này là nhằm đáp trả các hành vi mà nước này cho là "tiêu cực" của Nga trên toàn thế giới, bao gồm việc sáp nhập Crimea, cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các vụ tấn công mạng và hơn hết là các vụ tấn công tiếp diễn nhằm gây nguy hại cho các nền dân chủ phương Tây.

Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich ngày 16/4 cho biết chính phủ Nga đang thảo luận tìm biện pháp hỗ trợ những công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Chính phủ Nga khẳng định sẵn sàng ứng phó trước hàng loạt biện pháp trừng phạt mới, đồng thời lưu ý các biện pháp trừng phạt đối với Nga càng mạnh thì càng gây thêm thiệt hại cho chính Mỹ và châu Âu.

>> Ấn Độ sẽ được mua dầu thô giảm giá 30% nếu giao dịch bằng tiền ảo Petro

Tin mới lên