Tài chính

Khoảng trống pháp lý trong câu chuyện thu thuế Nguyễn Hà Đông

Vừa qua, sự kiện Nguyễn Hà Đông - ông chủ của trò chơi nổi tiếng thế giới Flappy Bird - nộp 1,4 tỷ đồng tiền thuế và sẽ tiếp tục phải nộp thêm đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Cũng chính từ sự việc này, đã chỉ ra những vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay.

Khoảng trống pháp lý trong câu chuyện thu thuế Nguyễn Hà Đông

Nguyễn Hà Đông, "ông chủ" trò chơi Flappy Bird.

Việc thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Nguyễn Hà Đông chỉ là trường hợp hy hữu và là số ít cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử qua mạng internet tự giác tuân thủ nghĩa vụ kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.

Sự hy hữu này xuất phát từ sự nổi tiếng của Nguyễn Hà Đông qua trò chơi Flappy Bird. Do đó dẫn đến việc Nguyễn Hà Đông được dư luận xã hội quan tâm và cơ quan thuế để mắt đến và đặt ra câu hỏi liệu Nguyễn Hà Đông đã nộp thuế hay chưa? Chính vì thế, Cơ quan thuế vào cuộc để xác định nguồn thu nhập và loại thu nhập của Nguyễn Hà Đông gắn liền với trò chơi này để yêu cầu Nguyễn Hà Đông tuân thủ nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.

Trong khi đó, còn rất nhiều lập trình viên khác của Việt Nam hay các công ty khác tại nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đang hàng ngày cung cấp các trò chơi điện tử trên các chợ ứng dụng của Apple, Google, Windows… trên thiết bị di động nhận được các khoản có thu nhập từ việc bán ứng dụng, từ các đồ mua trong ứng dụng (buy in apps) cho người tiêu dùng Việt Nam, hay thu nhập từ nhúng quảng cáo trong ứng dụng mà Google hay Apple chia sẻ với họ, thì cơ quan thuế chưa thể kiểm soát và quản lý được.

Có những lý do có thể đưa ra như sau: 

Thứ nhất, cơ quan thuế không thể xác định được đối tượng cung cấp các trò chơi này trên các chợ ứng dụng của Apple, Google, Windows trên thiết bị di động. Thực tế, trên các chợ ứng dụng này, người chơi có thể tải về và cài đặt dễ dàng các trò chơi mà mình yêu thích và không ai quan tâm rằng trò chơi này được cung cấp bởi ai: cá nhân hay tổ chức, trong nước hay nước ngoài.

Nếu nhìn vào mục thông tin nhà phát hành thì ta có thể biết được một số Công ty trong nước như VTC mobile, VNG, FPT online,... còn lại phần lớn các trò chơi được cung cấp từ các nhà phát hành là các công ty có trụ sở tại nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới  như: Gameloft (dungeon Hunter) , Supercell (Hay Day, Clash of clans, boom beach)... hay  từ những đối tượng ẩn danh không thể xác định được là của tổ chức hay cá nhân, tại nước ngoài hay tại Việt Nam như Toan Chinh Quach (Nplay) Phan Phuc (BigKool - 1 game chơi bài tải về miễn phí và thu hút nhiều người chơi nạp tiền vào mua xu để đánh bài).

Nhìn vào thông tin nhà phát hành giới thiệu cùng với các game này trong các chợ ứng dụng chỉ có thông tin về website liên quan đến trò chơi này. Qua truy cập khảo sát và truy lần nguồn gốc từ các website này thì phần lớn cũng không thể xác định được chủ nhân của website này, vì domain hay máy chủ đều được đặt tại nước ngoài.

Thứ hai, cơ quan thuế hiện nay không thể kiểm soát được dòng tiền thanh toán từ người tiêu dùng tại Việt Nam cho các đối tượng là công ty có trụ sở tại nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biện giới, hay của cá nhân (trong và ngoài nước). Bởi các khoản tiền thanh toán này chủ yếu được thanh toán bằng thẻ tín dụng, một số ít bằng thẻ điện thoại hay ví điện tử từ người tiêu dùng tại Việt Nam.

Các khoản thanh toán này được chuyển cho các chủ chợ ứng dụng là các Công ty Apple, Google, Windows,... sau đó khoản thu nhập này mới được thanh toán cho người sở hữu các trò chơi này. Như vậy, nếu không xác định được tài khoản của các chợ ứng dụng này thì cơ quan thuế cũng không thể nào xác định tài khoản đích (tài khoản nhận thanh toán) mà phối hợp với ngân hàng nhà nước để rà soát.

Thứ ba, chính sách thuế nhà thầu hiện nay của Việt Nam không quy định người nộp thuế là người tiêu dùng Việt Nam, nên không thể yêu cầu người tiêu dùng tại Việt Nam kê khai và nộp thuế nhà thầu thay cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam.

Mặt khác việc kinh doanh trong môi trường mạng không phân định vùng biên giới lãnh thổ như cung cấp hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường nên không thể xác định được chính xác dịch vụ này được thực hiện ngoài việt nam hay tại việt Nam,...

Một điều nghịch lý là trong khi Nguyễn Hà Đông và các công ty khác tại Việt Nam đã tự giác và tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế liên quan, thì tiền thu được từ người tiêu dùng tại Việt Nam của các công ty xuyên biên giới, hay của các đối tượng ẩn danh, hay nói cách khác các công ty có trụ sở tại nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hay của các đối tượng ẩn danh, phát sinh thu thập tại Việt Nam lại không phải chịu bất kỳ một khoản thuế liên quan nào.

Chính điều này đang cạnh tranh không công bằng và tạo ra một sân chơi không bình đẳng giữa công ty phát hành game trong nước với các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát hành.

Trong khi để phát hành game moblie, các nhà phát hành game là các công ty trong nước phải chịu sự kiểm duyệt của Bộ Thông tin Truyền thông và phải nộp đủ các loại thuế, thì các cá nhân trong nước được phép phát hành game trên các chợ ứng dụng mà không phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát hay nộp bất kỳ một khoản thuế nào.

Như vậy, các cơ quan quản lý chức năng, cũng như các qui định pháp luật hiện nay đang có một khoảng trống lớn và tạo thuận lợi cho sự phát triển của các game lậu và cho các tổ chức, cá nhân có trụ sở tại nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khai thác doanh thu tại Việt Nam, nhưng lại không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước... 

Thiết nghĩ các cơ quan quản lý chức năng cần phải có giải pháp, nhằm vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa để ngân sách nhà nước không bị thất thu từ các loại hình kinh doanh này.

Tin mới lên