Tài chính

Khối ngoại rót 5,7 tỷ USD góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt

(VNF) – Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2017.

Khối ngoại rót 5,7 tỷ USD góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tính đến ngày 20/9, cả nước có 2.182 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017; có 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2017. 

Cũng trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2017.

Tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Có 18 lĩnh vực đón vốn đầu tư nước ngoài, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hút nhiều vốn nhất với 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6 tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,1 tỷ USD, chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm 22,4%; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,6 tỷ USD, chiếm 14,4%...

Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 5,8 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Theo sau là TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký lần lượt là 4,2 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.

Về tình hình đầu tư ra nước ngoài, trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 99 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 286 triệu USD.

Ngoài ra, còn có 23 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 44,8 triệu USD. Tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 330,9 triệu USD.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư.

Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 95,1triệu USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ 2 với 46,7 triệu USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,9 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.

Tin mới lên