Diễn đàn VNF

'Không bắt tay với các tập đoàn đa quốc gia, chắc chắn không thành công'

(VNF) - "Bắt tay với các tập đoàn đa quốc gia có thể không dẫn đến thành công nhưng nếu không bắt tay thì chắc chắn không thành công", Tiến sỹ Võ Trí Thành khẳng định.

'Không bắt tay với các tập đoàn đa quốc gia, chắc chắn không thành công'

Nói về quá trình đổi mới của Việt Nam trong 30 năm qua, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, Việt Nam đã thực sự thay đổi từ một nước thu nhập trung bình (thấp) với GDP bình quân đầu người năm 1990 dưới 100 USD, đã tăng lên 2050 USD năm 2014; tỷ lệ nghèo theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 1993 là 57% thì đến năm 2014 là 13%. 

Việt Nam từ một nước nông nghiệp đã trở nên công nghiệp hóa hơn (tỷ lệ nông nghiệp trong GDP năm 1991 là 41%, năm 2014 là 18%). Đồng thời, Việt Nam từ một nền kinh tế khép kín trở thành một nền kinh tế rất mở (độ mở cửa kinh tế năm 2014 được tính bằng (xuất khẩu + nhập khẩu)/GDP đạt khoảng 160,2%; khu vực FDI chiếm 20,1% GDP; hơn 65% giá trị xuất khẩu; 21,7% tổng đầu tư.

Theo Tiến sỹ Thành, công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam hiện nay là chưa có tiền lệ trong lịch sử. Công nghiệp hóa – hiện đại hóa truyền thống có sự can thiệp nhiều hơn của Nhà nước, dựa vào xuất khẩu và FDI nhiều hơn. Mặc dù hiện nay, những nhân tố này vẫn còn giá trị, tuy nhiên, không gian chính sách đã thu hẹp mặc dù vai trò của nhà nước vẫn lớn nhưng lớn hơn là sự thay đổi trong cách thức sống và cách thức kinh doanh, đặc biệt khi đất nước tham gia vào nhiều hiệp định lớn, tiêu chuẩn, chất lượng cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo Tiến sỹ Thành, "đã học thì phải học và chơi với người tốt nhất" và TPP là cơ hội cho chúng ta học hỏi các quốc gia, các tập đoàn lớn, công nghệ hiện đại... Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do trong đó có TPP và EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội như xuất khẩu của các ngành có lợi thế so sánh (giày dép, nội thất, gạo, cà phê, thủy sản...), phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản, sự tham gia (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong các mạng lưới sản xuất/cụm công nghiệp do các công ty xuyên quốc gia dẫn dắt, sự nổi lên các lĩnh vực mới: công nghiệp "xanh", công nghệ thông tin "thông minh" và thương mại điện tử, công nghiệp sáng tạo. 

Trước những nhận định cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia, FDI vào Việt Nam sẽ cạnh tranh với thị trường nội địa và các doanh nghiệp trong nước, ông Thành cho hay, thế giới vẫn bị chi phối bởi hàng trăm nghìn tập đoàn xuyên quốc gia, những tập đoàn này tạo ra chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. "Chúng ta không thể tách họ ra, có phê phán, không thiện cảm nhưng vẫn phải bắt tay. Bắt tay với các tập đoàn đa quốc gia có thể không dẫn đến thành công nhưng nếu không bắt tay thì chắc chắn không thành công", ông Thành khẳng định.

"Khó khăn, thách thức là vô cùng lớn nhưng phải tự tin, tự tin có cơ sở. Các đối thủ cạnh trạn khác có thể mạnh hơn chúng ta về tất cả nhưng chúng ta vẫn có lợi thế so sánh của riêng minh", ông Thành nhận định.

Tin mới lên