Ngân hàng

Không được bán ngoại tệ lấy ngoại tệ khác: Khó cho dòng kiều hối!

(VNF) – Chính sách mới về quản lý ngoại hối không cho phép các đại lý ngoại tệ được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy ngoại tệ khác đang khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn gửi tiền về nước cảm thấy do dự hơn.

Không được bán ngoại tệ lấy ngoại tệ khác: Khó cho dòng kiều hối!

Chính sách mới về quản lý ngoại hối khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài do dự hơn khi gửi tiền về nước

Những năm gần đây, Việt Nam luôn lọt Top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Theo thống kê thì kể từ năm 2000 đến nay, giá trị kiều hối vào Việt Nam liên tục tăng, ngoại trừ năm 2009.

Cụ thể, nếu như năm 2000, lượng kiều hối vào Việt Nam mới chỉ đạt hơn 1,7 tỷ USD thì đến năm 2004, giá trị kiều hối đã đạt mức 3,2 tỷ USD. Chỉ 2 năm sau, con số này đã vọt lên mức 4,7 tỷ USD và đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2010.

Lượng kiều hối về nước tiếp tục tăng trong các năm 2011, 2012, 2013, 2014 và đạt giá trị lần lượt 9 tỷ USD, 10,5 tỷ USD, 11 tỷ USD và 12,5 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2015, giá trị kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 13 tỷ USD.

Ước tính, tổng giá trị kiều hối về nước giai đoạn 2000 – 2015 ở mức khoảng 103 tỷ USD. Đương nhiên những thống kê trên là chưa kể đến dòng chảy kiều hối chưa chính thức.

Hành trình liên tục gia tăng của kiều hối về Việt Nam gắn liền với sự biến chuyển trong chính sách ngoại tệ nói chung và chính sách kiều hối nói riêng trong suốt nhiều chục năm qua.

Giai đoạn trước năm 1986, chuyển tiền ngoại hối chỉ áp dụng với một số ngoại tệ mạnh như USD, GBP, DM, CAD, JPY… Đặc biệt là lượng kiều hối này chủ yếu chảy qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hoặc ngân hàng khác được Vietcombank ủy quyền.

Người nhận kiều hối phải có giấy phép nhận kiều hối và không được rút tiền mặt ngoại tệ mà chỉ được nắm giữ ngoại tệ trên tài khoản ngân hàng. Khi có nhu cầu dùng tiền thì phải rút ra VND nhưng vẫn có hạn mức rút, đồng thời mất lệ phí chuyển tiền 1%.

Đến giai đoạn 1987 – 1999, người thụ hưởng kiều hối đã có thể nhận tiền mà không cần giấy phép, nhưng vẫn chưa được rút ngoại tệ mà phải bán lại cho ngân hàng với tỷ giá có thưởng hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng hay mở tài khoản giao dịch bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, kể từ năm 1995 trở đi, người nhận kiều hối phải chịu mức thuế tới 5% trên tổng số kiều hối nhận được.

Từ năm 1999 trở đi, chính sách kiều hối đã thông thoáng hơn rất nhiều sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg và Thông tư hướng dẫn số 02/2000/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, người Việt Nam ở nước ngoài được khuyến khích chuyển tiền về nước, các kênh chuyển tiền đa dạng hơn nhiều, bao gồm cả các ngân hàng thương mại và và cả bưu điện chứ không còn nằm riêng trong tay Vietcombank như trước kia.

Đặc biệt, trên cơ sở Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN về ban hành quy chế đại lý đổi ngoại tệ và Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-NHNN hướng dẫn thi hành quyết định số 170/1999/QĐ-TTg về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.

Những chính sách khuyến khích kiều hối này được đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ và được thể hiện thông qua lượng kiều hối về nước liên tục tăng.

Tuy nhiên, ngày 29/06/2016 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, bàn đổi ngoại tệ của cá nhân, trong đó đáng chú ý là việc sử đổi Điều 4: Hoạt động của đại lý ngoại tệ của Quy chế Đại lý đổi ngoại tệ ban hành kèm Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN.

Theo đó, thay vì các đại lý đổi ngoại tệ được phép bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ  khác như trước kia thì hiện nay, chỉ được phép bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam.

Điều này có nghĩa là, người thụ hưởng kiều hối chỉ có thể nhận kiều hối bằng đồng ngoại tệ được gửi về, hoặc đồng Việt Nam sau khi đã bán cho ngân hàng Nhà nước chứ không còn được đổi sang ngoại tệ khác.

Chẳng hạn, một lao động xuất khẩu tại Nhật Bản gửi ngoại tệ là đồng Yên Nhật (JPY) về nước cho gia đình thì người nhận chỉ có thể giữ lại đồng Yên Nhật, hoặc bán Yên Nhật cho ngân hàng để lấy về đồng Việt Nam (VND) chứ không còn được đổi ra đồng đô la Mỹ (USD) như trước kia.

Đây là vấn đề trăn trở của nhiều ngân hàng thương mại có cung cấp dịch vụ kiều hối, trong đó có VietinBank.

Tại hội thảo khoa học quốc gia "Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam" diễn ra mới đây, ông Từ Như Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chuyển tiền toàn cầu VietinBank chia sẻ rằng, chính sách quản lý ngoại hối mới hiện đang khiến nhiều người gửi tiền do dự, không thực sự thoải mái khi có ý định gửi tiền về nước qua con đường chính thống là qua các ngân hàng.

Đây là điều đáng tiếc và phần nào khiến người muốn gửi tiền tỏ ra nghi ngờ về chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về nước, tác động tiêu cực đến tổng lượng kiều hối về nước hàng năm. Đồng thời, có thể gia tăng tình trạng chuyển tiền thông qua kênh phi truyền thống, gây thất thoát ngoại tệ cho Nhà nước cũng như tổn thất doanh thu cho các ngân hàng.

Tin mới lên