Tài chính

‘Không phải siêu ủy ban, chính cơ chế hiện nay mới làm chậm cổ phần hóa’

(VNF) – Đó là câu trả lời của TS Nguyễn Đình Cung trước câu hỏi liệu việc thành lập "siêu ủy ban" quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước có làm chậm quá trình cổ phần hóa hiện nay hay không.

‘Không phải siêu ủy ban, chính cơ chế hiện nay mới làm chậm cổ phần hóa’

Theo TS Nguyễn Đình Cung, việc thành lập siêu ủy ban không ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Lập tổng công ty để không phải về...SCIC

Là người chấp bút viết dự thảo nghị định thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng hiện nay có nhiều người vẫn hiểu chưa đúng về chức năng của ủy ban.

Theo ông Cung, ủy ban không phải là một cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà là cơ quan thực hiện một cách chuyên trách, chuyên nghiệp chức năng đầu tư.

"Ủy ban sẽ thực hiện các quyền đó một cách tập trung, thống nhất và đầy đủ, có người chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả và kết quả kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp", ông Cung nói.

Ông Cung cũng khẳng định, việc thành lập ủy ban hoàn toàn không làm chậm quá trình cổ phần hóa hiện nay của các doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế cho thấy quá trình cổ phần hóa đang diễn ra khá chậm, bởi thực hiện cổ phần hóa đồng nghĩa với việc các Bộ mất tiền. "Thế thì tội gì người ta cổ phần hóa, người ta để thế chứ. Chính cơ chế hiện nay mới là cơ chế ràng buộc, làm chậm quá trình này", ông Cung nhấn mạnh.

Dẫn một ví dụ, từ khi có chính sách chuyển các doanh nghiệp độc lập về SCIC thì ở Hà Nội và TP. HCM đua nhau thành lập Tổng công ty. Vì sao lại thế? Là bởi vì là Tổng công ty thì không phải chuyển về SCIC nữa. Ông Cung phân tích rồi kết luận: "Nói Ủy ban làm chậm cổ phần hóa là nói lấy được, nói theo cảm tính, chứng tỏ người nói không hiểu thực trạng hiện nay".

Đừng nhìn vào bộ máy, bộ máy hiện nay không làm được

Theo dự thảo nghị định, Ủy ban sẽ quản lý 9 tập đoàn và 21 Tổng công ty với tổng tài sản ước tính lên tới 2 triệu tỷ đồng (tương đương 100 tỷ USD). Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng quản lý số tài khoản khổng lồ này của ủy ban, song ông Cung cho rằng, so rộng ra thì mấy trăm tỉ USD cũng là nhỏ.

"Đừng so với chính mình, hãy cứ nhìn rộng ra quốc tế. Nói thật thì tổng số vốn ủy ban sẽ quản lý không bằng tài sản của một tập đoàn đa quốc gia, ngay cả GDP của cả nước cũng không bằng. Người ta quản được thì tại sao mình không quản được", ông Cung nói.

Theo ông Cung, người Việt làm ở các tập đoàn đa quốc gia rất nhiểu, nhiều ngươi có kĩ năng, kinh nghiệm về đầu tư, có thể mời họ về làm.

"Còn đừng nhìn vào bộ máy hiện nay, bộ máy hiện nay không làm được. Không phải họ kém mà là họ không được trang bị những kĩ năng và những công cụ tương xứng để làm".

Ông Cũng cũng khẳng định về khâu nhân sự sẽ để thị trường chọn và nhà nước thì không nên chọn người chiến thắng ngay từ đầu. Tất nhiên, việc thảo luận sẽ được thực hiện ở cấp cao nhất, ông nói.

Viện trưởng CIEM cũng cho biết, dự kiến sau 2 năm Ủy ban mới hoàn thành ra đời. 

Tin mới lên