Bất động sản

'Kiểm toán Nhà nước phải thanh kiểm tra các dự án BOT'

(VNF) - Đó là ý kiến được các chuyên gia nêu lên tại Hội thảo "Những vấn đề đặt ra với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" tổ chức sáng 15/9.

'Kiểm toán Nhà nước phải thanh kiểm tra các dự án BOT'

Các dự án BOT hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối gây bức xúc trong xã hội

Nhức nhối BOT

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trên cả nước đã và đang triển khai 71 dự án BOT đường bộ với tổng số vốn xã hội hóa khoảng 200.000 tỷ đồng.

Trong các năm qua, các dự án BOT được đánh giá là đã góp phần lớn làm thay đổi bộ mặt giao thông Việt Nam, thúc đẩy kinh tế phát triển và giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.

Tuy vậy các dự án BOT hiện cũng tồn tại hàng loạt vấn đề bất hợp lý gây tâm lý bức xúc cho xã hội. Nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết hiện cả nước có 86 trạm thu phí. Trong đó, có những tuyến đường dầy đặc trạm thu phí như Hà Nội – Thái Bình chỉ dài 110km nhưng có tới 4 trạm. Cá biệt ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) 200 mét đường có 2 trạm thu phí (vừa BOT vừa BT do Tasco đầu tư).

Trạm thu phí dày đặc, mức phí lại quá cao, không phù hợp với sức mua của người dân. Ông Liên dẫn ra một điều vô lý là phí BOT trên một số tuyến đường lại cao hơn chi phí nhiên liệu: 1km đường, xăng chỉ mất 1.200 đồng vậy mà phí mất 1.500 đồng.

Phó chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch & Đầu tư Lê Quốc Đạt cũng nêu vấn đề thu phí trùng phí hiện nay gây bức xúc cho người dân. Theo ông Đạt, các phương tiện hầu hết đã phải trả phí sử dụng đường bộ nhưng khi lưu thông trên Quốc lộ 1 lại phải trả phí BOT vì không còn sự lựa chọn nào khác để đi.

Buổi Hội thảo "Những vấn đề đặt ra với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" tổ chức sáng 15/9 tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước

Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Quý - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV - đơn vị được giao kiểm toán các dự án BOT – cũng cho rằng các dự án BOT đang "độc quyền" khi không tạo ra đường song hành, không cho người dân lựa chọn đi hoặc không đi.

Ngoài ra, ông Quý phân tích việc xác định lợi nhuận cho chủ đầu tư hiện nay vẫn chủ yếu qua thương thảo, mà sự thương thảo này dễ dẫn tới tùy tiện "Có những dự án BOT được hưởng lợi nhuận 12% nhưng có nơi lại 14 – 15%", ông Quý cho biết.

Người đứng đầu cơ quan kiểm toán về BOT cũng nêu rõ những thiếu sót trong kiểm soát lưu lượng xe như có nhà tư vấn chỉ đếm xe 2 ngày để lấy đại diện cho 365 ngày. Chính sự dễ dãi đó đã dẫn tới những vụ gian lận phí, làm thất thu ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn Trạm thu phí BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ thu bình quân 1,97 tỉ đồng/ngày nhưng chỉ báo cáo lên 582 triệu đồng/ngày.

Đây là thực tế mà Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường phải thừa nhận: chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí.

Kiểm toán Nhà nước có "đụng" được vào dự án BOT?

Đa số các ý kiến chuyên gia đều thống nhất cho rằng việc Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đối với các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng BOT là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước không có chức năng kiểm toán đối với các dự án BOT, vì khi chưa chuyển giao thì đó không thuộc sở hữu Nhà nước.

Song, theo TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, về bản chất, hợp đồng PPP là việc Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân để doanh nghiệp này bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình của Nhà nước. Sau khi đầu tư xong, nhà đầu tư được quyền thu phí trong một thời gian nhất định. Hết quãng thời gian này, nhà đầu tư bàn giao công trình để Nhà nước quản lý sử dụng.

"Như vậy, trong quãng thời gian thu phí, nhà đầu tư chỉ được quyền quản lý chứ không phải có quyền sở hữu công trình đó. Và với tư cách là tài sản của Nhà nước thì công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT phải chịu sự kiểm tra của Kiểm toán nhà nước", TS Trường nhận định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Hiểu cũng cho rằng "Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (trong đó có hình thức BOT) là một hình thức của đầu tư công. Tài sản được hình thành từ hoạt động đầu tư này là tài sản công, nhà đầu tư ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án và được ủy quyền thu phí trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn vốn. Do đó, việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án BOT theo luật định chính là đối tượng kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước".

Theo ông Bùi Danh Liên, để đạt được hiệu quả kiểm toán với các dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước nên kiểm toán: suất đầu tư, chi phí hợp lý, các ưu đãi đổi đất lấy hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư. Xác định vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, quyết toán công trình, tỷ lệ lãi suất kinh doanh của nhà đầu tư. Đặc biệt chú trọng tỷ lệ vay vốn ngân hàng và vấn đề thanh khoản

Từ kết quả có được, Kiểm toán nhà nước khuyến cáo cho các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ xem xét một cách cẩn trọng sự tăng trưởng GDP để quyết định điều chỉnh lộ trình tăng phí, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng hành với Chính phủ thực hiện Nghị quyết 35/CP và ổn định an sinh xã hội.

Mặt khác nếu phát hiện các vi phạm, tiêu cực, lợi ích nhóm thì đề nghị kiên quyết xử lý theo pháp luật, nghiêm khắc xử lý những người thi hành công vụ lơ là trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tin mới lên